Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập ngày 24/10/2010 theo Quyết định số 1081/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong Điều lệ Hội có xác định Hội có biểu trưng riêng. Biểu trưng (logo) đầu tiên của Hội năm 2010 do họa sĩ Lê Viết Trí sáng tác, được thể hiện trong khối tròn có tượng đài Tổ quốc ghi công, dưới là hoa sen cách điệu và hai bàn tay nâng đỡ, phía trong vòng tròn có dòng chữ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Sau hơn 13 năm sử dụng trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thể theo nguyện vọng của các tổ chức và hội viên trong cả nước với mong muốn biểu tượng (logo) của Hội phải có tính khái quát cao, đẹp, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, quảng bá của Hội trong giai đoạn mới, ngày 23/5/2023, Ban Thường vụ Hội có Nghị quyết số 172/NQ-HTGĐLS về phát động sáng tác Biểu trưng (logo) và kỷ niệm chương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam hướng tới Đại Hội lần thứ IV và kỷ niệm 15 năm thành lập Hội.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ, lãnh đạo Hội đã triển khai 3 đợt phát động sáng tác Biểu trưng (logo) từ ngày 15/6/2023 đến ngày 15/11/2023.
Theo Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, khi tổ chức chức phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo), Hội có để ra 2 tiêu chí logo mới cần đạt được: Tri ân các Anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và tôn vinh hoạt động của tổ chức Hội hoạt động vì mục đích cao cả, là cầu nối kết nối các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước cùng góp sức hỗ trợ các gia đình liệt sĩ.
Sau khi phát động, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã nhận được 129 tác phẩm của 32 họa sĩ trong cả nước gửi về dự thi. Kết quả, sau 3 vòng tuyển chọn, Hội đồng nghệ thuật đã chọn 5 tác phẩm trao giải (1 giải nhất và 4 giải khuyến khích). Cụ thể, giải Nhất thuộc về tác phẩm mang mã số A10 (D8675) của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến (họa sĩ báo Quân đội nhân dân). 4 giải Khuyến khích, gồm tác phẩm mang mã số A9 (26261) của nhóm tác giả Hoài DESIEN (Hà Nội), tác phẩm mang mã A8 (39580) của tác giả Trần Hoài Đức (Hà Nội); tác phẩm mang mã A11 (33372) của tác giả Phạm Tam (thành phố Hồ Chí Minh), tác phẩm mang mã A28 (61255) của tác giả Trịnh Thanh Tùng (Hà Nội).
Theo Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, tác phẩm giải Nhất được thể hiện khái quát biểu tượng chủ thể lớn nhất của biểu trưng là Quốc kỳ với cờ đỏ, sao vàng được cách điệu thành ngọn lửa bất tử, thể hiện Tổ quốc trong tim mỗi người Việt Nam, khẳng định vì độc lập, tự do của Tổ quốc, các Anh hùng liệt sĩ đã sẵn sàng hy sinh xương máu của mình, và linh hồn các Anh hùng liệt sĩ đã hóa thân vào Tổ quốc.
Hình ảnh ngọn lửa bất tử được lồng vào lớp lớp những bàn tay nâng niu, ấp ôm ngọn lửa, thể hiện mái ấm gia đình, sự đùm bọc, đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước, nhất là các cấp các ngành các địa phương, các nhà hảo tâm, doanh nhân trong cả nước cùng nhau đoàn kết, chung tay đóng góp công sức, vật chất để tri ân các liệt sĩ cũng như giúp đỡ, hỗ trợ thân nhân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt nam Anh hùng. Bên cạnh đó, bàn tay cũng tạo hình cánh chim bồ câu (biểu tượng hòa bình) - như nhắc nhở mỗi người con dân đất Việt hiểu rằng, chúng ta được sống trong trong hòa bình như hiện nay là có biết bao máu, xương của cấnh hùng liệt sĩ đã đổ xuống. Do vậy, chúng ta không bao giờ được quên công ơn của các Anh hùng liệt sĩ.
Phía dưới là tên riêng “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam”, sau đó là chữ cái viết tắt của tên giao dịch quốc tế VMFSA để tiện giao dịch quốc tế.
Biểu trưng được bố cục theo thể loại tự do, mang tính hiện đại, khái quát cao nhưng vẫn thể hiện tính tôn nghiêm và sự tri ân. Biểu trưng được thiết kế theo phong cách tối giản, nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các thông tin cũng như thẩm mỹ, với 2 màu cơ bản: Màu đỏ và màu vàng. Trong đó, màu đỏ - nền cờ Tổ quốc; đồng thời thể hiện nhiệt huyết, ý chí, sức sống mãnh liệt. Còn màu vàng mang ý nghĩa màu của mặt trời, ánh sáng bất diệt. Trong thiết kế, màu vàng thuộc gam màu nóng, tràn đầy năng lượng và kích thích thị giác và phù hợp trong việc in ấn trên mọi chất liệu cũng như phóng to, thu nhỏ trên mọi kích thước.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẽ sớm đăng ký bản quyền và cùng với tác giả có bộ nhận diện để sử dụng trong các ấn phẩm, làm Kỷ niệm chương trao tặng Hội viên.