Trên 1.720 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Tây Nguyên

Nhân sự kiện Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Nguyên lần thứ 3, do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến tổ chức vào ngày 16 - 17/5 tới, đã có 6 dự án đăng ký đầu tư vào vùng Tây Nguyên với tổng số vốn cam kết trên 1.720 tỷ đồng. 

Đây là thông tin được ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tại cuộc họp trực tuyến về công tác chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai tổ chức chiều 5/5.

Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk dài 118,6 km dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 6/2015. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN



Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Nguyên lần thứ 3 - 2015 sẽ đi vào chiều sâu, thực chất hơn so với hai lần đã tổ chức trước đây. Đặc biệt là trước ngày diễn ra hội nghị sẽ có “Đêm an sinh xã hội” với sự tham gia đóng góp, giúp đỡ của các nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị và các mạnh thường quân, nhất là hệ thống ngân hàng thương mại ủng hộ giúp đỡ nhân dân các dân tộc vùng Tây Nguyên. Từ nguồn kinh phí được ủng hộ này, hoạt động an sinh xã hội sẽ tập trung vào những lĩnh vực như giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, đầu tư về y tế, nguồn nhân lực, xóa nhà dột nát cho đồng bào nghèo trong vùng…

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta. Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng khác biệt và lợi thế so với các khu vực khác cho phép Tây Nguyên có tiềm năng phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó kinh tế nông nghiệp, nông thôn là mũi nhọn. Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng so với các vùng miền khác thì Tây Nguyên vẫn là vùng kém phát triển. Nhu cầu vốn để phát triển Tây Nguyên là rất lớn nhưng ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, phần lớn cần phải huy động từ các nguồn khác như ODA, FDI và vốn trong nước. Do đó, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, Tây Nguyên rất cần sự đầu tư từ các nguồn khác nhau trong và ngoài nước.

Tại hội nghị trực tuyến này, Ban tổ chức và lãnh đạo các tỉnh đã thống nhất thời gian, địa điểm, công tác tổ chức cũng như việc chuẩn bị chu đáo cho hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Nguyên. Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp “Đêm an sinh xã hội” vào tối 16/5. Ngày 17/5 hội nghị xúc tiến đầu tư cũng sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Viết Tôn


Xây dựng Đắk Lắk thành trung tâm của Tây Nguyên
Xây dựng Đắk Lắk thành trung tâm của Tây Nguyên

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Y Dhăm Enuôl (ảnh), Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk về những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN