Với thông điệp “An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo”, chủ đề Ngày Lương thực thế giới năm nay nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, cải thiện đời sống để phát triển bền vững, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Đói nghèo khiến nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng, không được tới trường. Ảnh minh họa. Nguồn: Nguyễn Thủy/TTXVN |
Theo Liên hợp quốc, dù đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo nhưng thế giới vẫn đang đối phó với nhiều thách thức. Hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ người nghèo, trong đó nhiều người còn thiếu lương thực; 78% người nghèo sống ở vùng nông thôn, nơi mà hoạt động sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế nông thôn. “Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể đã được các quốc gia thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Việt Nam và các nước đang phát triển đã ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vào Chương trình nghị sự nhiều nội dung về phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị và góp phần vào sự tiến bộ chung của toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Lê Quốc Doanh cho biết: tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc giảm từ 45,6% giai đoạn 1990-1992 xuống còn 11% giai đoạn 2014-2016.Việt Nam đang nỗ lực hành động để hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập ổn định; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn người khuyết tật, người nghèo… bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân thực hiện thành công “Chương trình nghị sự 2030” và các mục tiêu phát triển bền bững của Liên hợp quốc.
Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc cho rằng, hệ thống an sinh xã hội cần được lồng ghép vào các hoạt động ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Đó cũng là một trong các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc phát động “chấm dứt đói nghèo ở mọi hình thức và mọi nơi”. Trong thời gian tới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp cam kết tiếp tục giúp các quốc gia thành viên của Đại hội đồng tăng cường năng lực xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn thông qua việc liên kết an sinh xã hội với áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.