Trước tình trạng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có người bị rắn cắn, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan chuyên trách về việc triển khai các biện pháp hạn chế tình trạng người dân bị rắn cắn.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định loài rắn cắn nhiều người trong thời gian qua có phải là rắn lục đuôi đỏ; nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường trên địa bàn để kịp thời xử lý. Công an tỉnh nắm tình hình, xác minh thông tin phản ánh của người dân về các đối tượng thả rắn ở một số địa phương có chính xác không. Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, sơ cấp cứu khi bị rắn cắn, đặc biệt là rắn lục; phát động phong trào toàn dân dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm để tiêu diệt, xua đuổi rắn. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội đoàn thể có kế hoạch tuyên truyền đề cao cảnh giác về sự xuất hiện của rắn lục đuôi đỏ và chủ động có biện pháp phòng, tránh hiệu quả.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 11 đến nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận và điều trị từ 1 đến 2 ca bị rắn cắn. Địa phương có người bị rắn cắn nhiều như Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa.
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố khoanh vùng khu vực người dân phát hiện rắn lục đuôi đỏ để mở đợt truy bắt.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi bị rắn cắn, cách tốt nhất là chuyển bệnh nhân vào bệnh viện để được truyền huyết thanh lọc độc tố. Những trường hợp khu vực bị rắn cắn cách xa bệnh viện thì phải sơ cứu bằng cách dùng vải quấn chặt phần trên vết cắn 10 đến 15cm.
Đinh Hương