Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong cả nước luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai mọi mặt công tác, trợ giúp 88 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hoạt động trên 23.000 tỷ đồng. Những kết quả này đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; lan tỏa các giá trị nhân đạo trong xã hội, được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.
Trợ giúp xã hội thiết thực
Trợ giúp xã hội là một trong những hoạt động trọng tâm, thường xuyên và cũng là sứ mệnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, giá trị công tác xã hội nhân đạo của toàn Hội đạt trên 16.254 tỷ đồng, trợ giúp trên 43,5 triệu lượt người (gấp 2,6 lần về giá trị và gấp 2,4 lần về số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ Đại hội IX).
Nét nổi bật trong công tác xã hội nhiệm kỳ qua phải kể đến việc tổ chức “Tháng Nhân đạo” vào tháng 5 hàng năm để tăng cường huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào hoạt động nhân đạo. Qua 5 năm thực hiện Tháng Nhân đạo (2018 - 2022), các cấp Hội vận động được hơn 2.000 tỷ đồng, trợ giúp gần 4,5 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, đạt tỷ suất vận động cao nhất so với các tháng khác trong năm. “Tháng Nhân đạo” bước đầu góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội và thu hút nhiều cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia.
Trong nhiệm kỳ Đại hội X, các phong trào, cuộc vận động của Hội được triển khai thiết thực, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở và thích ứng trong bối cảnh COVID-19. Trong đó, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục được triển khai rộng khắp với nhiều nét mới, sáng tạo. Các cấp Hội đã khảo sát, lập hồ sơ, trợ giúp và vận động trợ giúp trên 490.000 “địa chỉ nhân đạo” với giá trị trợ giúp gần 1.470 tỷ đồng; trao tặng hơn 3.400 nhà chữ thập đỏ; gần 60% “địa chỉ nhân đạo” do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trợ giúp thông qua hồ sơ giới thiệu của Hội.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Ban chỉ đạo Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” của Chính phủ đã hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai nền tảng công nghệ trong các hoạt động nhân đạo (iNHANDAO), xây dựng “Hệ thống nhân đạo điện tử” nhằm tạo phương thức kết nối trực tiếp giữa tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ với “địa chỉ nhân đạo”; ứng dụng trong quản lý, điều phối, kiểm tra hoạt động trợ giúp. Hệ thống đã tiếp nhận gần 70.000 địa chỉ nhân đạo từ 63 tỉnh, thành Hội; xử lý đưa lên Hệ thống trên 18.000 “địa chỉ nhân đạo”.
Có thể nói, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong cách tiếp cận hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo tập trung nguồn lực, đề cao trách nhiệm xã hội của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội.
Trong nhiệm kỳ qua, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” thực sự trở thành phong trào của toàn xã hội; nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều địa phương; sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Việc triển khai phong trào được một số cấp Hội lồng ghép với khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, khuyết tật, nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình chính sách, gia đình cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các vùng biển đảo, biên giới gặp khó khăn. Trong nhiệm kỳ, toàn Hội đã vận động và trao tặng hơn 13,7 triệu suất quà Tết với tổng trị giá đạt trên 5.400 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần so với nhiệm kỳ trước.
Dự án “Ngân hàng bò” - một trong những chương trình vận động nội lực với quy mô lớn của Hội trong nhiệm kỳ qua đã vận động trao tặng 19.395 con bò với trị giá trên 230 tỷ đồng. Nhiều cấp Hội đã chuyển đổi cách thức hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng vùng miền và khả năng của người dân.
Chung tay chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những lĩnh vực hoạt động quan trọng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam những năm qua. Nhiệm kỳ 2017-2022, giá trị hoạt động đạt 3.189 tỷ đồng, trợ giúp 40,8 triệu lượt người.
Nét nổi bật trong công tác này nhiệm kỳ qua phải kể đến việc các cấp Hội luôn tích cực tham gia hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19 với nhiều chương trình, hoạt động tích cực. Trong đó có việc tổ chức gần 30.800 buổi truyền thông phòng, chống dịch; phát gần 188.000 tờ tơi; tặng miễn phí gần 17,3 triệu khẩu trang, hơn 2 triệu bánh/chai xà phòng và dung dịch sát khuẩn; 235.540 bộ quần áo phòng, chống dịch và hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các điểm cách ly tập trung, cơ sở y tế và người dân. Trung ương Hội đã ra Lời kêu gọi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ ủng hộ người dân ứng phó với dịch COVID-19; tổ chức Chiến dịch “Kết nối cộng đồng - Vượt qua thử thách”, các chương trình “Hỗ trợ lao động ngoại tỉnh, lao động từ vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”; “Túi hàng gia đình” với giá trị các hoạt động đạt gần 1.022 tỷ đồng, Trung ương Hội đã hoàn thiện tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ. Tài liệu được Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt và đã ban hành sử dụng thống nhất trong toàn Hội,
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa, việc Bộ Y tế phê duyệt tài liệu cho thấy bộ tài liệu của Hội rất tốt. Đây là tiền đề quan trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, thống nhất, đồng bộ trong hoạt động của toàn hệ thống Hội.
Trong hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, toàn Hội duy trì 500 đội khám, chữa bệnh lưu động tại 43/63 tỉnh, thành Hội; củng cố, chuẩn hóa 736 cơ sở, phòng khám bệnh. Hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí tiếp tục được tổ chức ở địa bàn có nhu cầu với trên 28,6 triệu lượt người hưởng lợi. Mô hình xe cứu thương Chữ thập đỏ chuyển bệnh nhân nghèo được duy trì và phát triển tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp Hội chủ động lồng ghép tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện với tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Lần đầu tiên, toàn Hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để đảm bảo nguồn người hiến máu an toàn, sẵn sàng hiến máu khi cần, kể cả ở thời điểm đỉnh cao của đại dịch COVID-19.
Tổng lượng máu tiếp nhận từ năm 2017-2021 đạt trên 7,1 triệu đơn vị máu. Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng từ 97,5% năm 2017 lên 99,5% năm 2021, số đơn vị máu tiếp nhận gần 1,3 triệu đơn vị năm 2017 tăng lên hơn 1,4 triệu năm 2021, tương đương 1,5% dân số hiến máu (tăng gần 0,3% dân số hiến máu so với đầu nhiệm kỳ).
Trong công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, toàn Hội vận động được gần 27.600 người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, trong đó: 671 người đã hiến giác mạc, hai người hiến bộ phận cơ thể sau khi qua đời. Công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người cũng luôn được các cấp Hội chú trọng thực hiện...
Với các hoạt động được triển khai, giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân của toàn Hội đạt trên 3.189 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 40,8 triệu lượt người khó khăn (gấp 1,1 lần về giá trị và gấp 1,85 lần về số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ Đại hội IX).
Tích cực trong phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ
Hơn 1.700 tỷ đồng là giá trị hoạt động của công tác Phòng ngừa, ứng phó thảm họa đã được các cấp Hội thực hiện trong nhiệm kỳ qua để trợ giúp 5,2 triệu lượt người (gấp 2,37 lần về giá trị và gấp 1,8 lần về số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ Đại hội IX).
Trong nhiệm kỳ qua, hơn 134.000 lượt cán bộ Hội được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và ứng phó thảm họa; 37 đội ứng phó cấp tỉnh được củng cố, kiện toàn; duy trì 671 đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng do Hội lập. Trung ương Hội đã củng cố các kho hàng và vận động thêm nguồn hàng dự trữ; ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng cộng đồng an toàn với 4 tiêu chí cụ thể, hầu hết các Cụm thi đua đều chọn đơn vị điểm xây dựng cộng đồng an toàn... Hiện nay, đại diện 63/63 tỉnh, thành Hội đều là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.
Trung ương Hội đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch dự phòng, kiểm tra công tác tham gia phòng, chống thiên tai tại nhiều địa phương; triển khai khung về nhà ở an toàn, nước sạch, vệ sinh trong tình huống khẩn cấp, mô hình hỗ trợ tài chính dựa trên dự báo. Hội cũng chỉ đạo triển khai phần mềm và công cụ đánh giá hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa, khắc phục hậu quả thiên tai và thí điểm khung hành động sớm đối với nắng nóng, mưa lũ...
Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành 3 Lời kêu gọi ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và hỗ trợ các tỉnh lũ lụt miền Trung; vận động, tiếp nhận và hỗ trợ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long trên 102 tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ trên 237 tỷ đồng.
Kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong nhiệm kỳ qua khẳng định: Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được các cấp Hội triển khai nghiêm túc, toàn diện, đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng, tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới.
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho rằng, kết quả này là công sức của toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, sự phối hợp ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong xã hội dưới ngọn cờ tập hợp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để thực hiện sứ mệnh nhân đạo của mình.
Với chủ đề “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, Đại hội XI hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.