Triều cường gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Công Trí/TTXVN |
Ông Lê Bạch Đằng, Thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm cho biết, triều cường đợt này cao nhất trong hơn 5 năm qua. Trước kia chỉ ngập xung quanh vườn nhưng nay nước ngập nền nhà, so với trước đây ngập cao hơn 20cm. Gia đình ông Đằng phải kê vật dụng điện tử lên cao, tránh hư hỏng.
Ông Đằng lo lắng, nước ngập hơn 6.000m2 đất trồng chanh, bưởi, cam của gia đình sẽ bị ảnh hưởng, rụng trái. Triều cường khiến các tuyến đường trong xóm ngập 10 - 15cm, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, hiện toàn huyện có hơn 1.000 ha cây ăn quả cho trái nghịch vụ, trên 7 triệu sản phẩm hoa kiểng phục vụ tết nguyên đán 2018.
Trước đợt triều cường dâng cao và phức tạp như hiện nay, huyện chủ động triển khai đến từng địa phương, cử người túc trực tại các điểm đê bao xung yếu, tránh sự cố tràn, vỡ đê để bảo vệ các vườn sầu riêng, chông chôm, đang cho trái vụ nghịch.
Ngoài ra, các địa phương trồng hoa tết kêu gọi người dân chủ động kê cao chậu trồng hoa, đắp đê ngăn triều cường, tránh thiệt hại cho người dân.
Theo ông Linh, sau khi triều trường rút nguy cơ sạt lở tại các tuyến đê bao của các cồn rất lớn. Hiện huyện triển khai các phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre Nguyễn Khánh Hoan cho biết, đợt triều cường đầu tháng 12/2017 là cao nhất trong năm 2017. Cụ thể, ngày 6/12, đỉnh triều tại các điểm trong tỉnh đo được như: Chợ Lách 190cm, Mỹ Hóa 177cm, An Thuận 183 cm, Bình Đại 184cm, Bến Trại 187cm, cao hơn 20cm so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Hoan, để chủ động phòng, chống triều cường, trước đó, Chi Cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre gửi thông báo tình hình triều cường dâng cao đến các địa phương trong tỉnh để có biện pháp bảo vệ tuyến đê bao vùng sản xuất thủy sản, cây ăn trái… tránh thiệt hại khi sự cố xảy ra...