Tại Lễ phát động, Báo Tiền Phong đã trao 2.000 cây trồng, gồm 1.300 cây Bần chua và 700 cây Trang, với tổng giá trị 150 triệu đồng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định. Đây là hai loài cây bản địa, có khả năng sinh trưởng và chống chịu tốt với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương. Cây được ươm trong bầu từ 18 - 24 tháng, đã qua đảo bầu, sinh trưởng tốt không dập ngọn, gãy cành.
Số lượng cây giống sẽ được trồng trên diện tích khoảng 1 ha tại khu vực bãi bồi ven biển xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nơi chưa có rừng và nằm trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thuộc xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng.
Sau Lễ phát động, việc trồng rừng ngập mặn sẽ được thực hiện theo lịch thuỷ triều tháng 10. Công tác bảo vệ được duy trì thường xuyên đến hết 31/11/2024 với việc làm biển báo nghiêm cấm các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trong khu vực trồng; ngăn chặn các hành vi chặt, phá rừng, xâm hại rừng và phòng trừ các loài sinh vật, sâu bệnh hại; nghiêm cấm khoanh đắp bờ bao, quây lưới ngăn dòng chảy trong rừng trồng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản hoặc sản xuất kết hợp. Việc chăm sóc cây trồng được tổ chức định kỳ từ 15 - 20 ngày/một lần.
Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và môi trường của tỉnh Nam Định nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn gió bão ven bờ, điều hòa khí hậu, làm giảm nhiệt độ và biên độ nhiệt độ, rừng ngập mặn được coi là lá phổi tốt nhất để hấp thụ CO2, gấp nhiều lần so với rừng trên cạn, đóng vai trò quan trọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, hướng tới việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới khoảng 20.000 ha, bổ sung phục hồi rừng và làm giàu 15.000 ha.