Phát biểu tại lễ phát động, ông Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và môi trường, không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn gió bão ven bờ, điều hòa khí hậu, làm giảm nhiệt độ và biên độ nhiệt độ, rừng ngập mặn được coi là lá phổi tốt nhất để hấp thụ CO2, gấp nhiều lần so với rừng trên cạn, đóng vai trò quan trọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Hải Phòng, TP Hải Phòng không có diện tích rừng lớn, nhưng có một hệ thống rừng ngập mặn ven biển trải dài với tổng diện tích 2.804 ha. Việc bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ rừng ngập mặn nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội, nhằm phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn các nguồn gen di truyền quý hiếm của rừng Việt Nam.
Tại lễ phát động, Báo Tiền Phong đã trao 2.600 cây Bần chua, cây Trang cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng. Đây là hai loài cây bản địa, có khả năng sinh trưởng và chống chịu tốt với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương và được lựa chọn trồng tại bãi bồi ngoài đê đầm Việt Mỹ, thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, khu vực bãi bồi ven biển chưa có rừng, nằm trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng địa phương.
Sau lễ phát động, việc trồng rừng ngập mặn sẽ được thực hiện 2 đợt: Đợt một dự kiến trồng 1.300 cây Trang từ ngày 17-19/8; đợt 2 dự kiến trồng 1.300 cây Bần chua từ ngày 20-23/8.
Sau khi trồng rừng, công tác bảo vệ được duy trì thường xuyên đến hết ngày 31/11/2024, với các hoạt động cấm khai thác, đánh bắt thủy sản, ngăn chặn chặt phá rừng, khoanh đắp bờ bao, quây lưới ngăn dòng chảy trong rừng trồng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản hoặc sản xuất kết hợp...