'Trung bình mỗi ngày chúng tôi đuổi một nhân viên xe buýt'

Tổng giám đốc Nguyễn Phi Thường
Tổng giám đốc Nguyễn Phi Thường.
Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Phi Thường khẳng định, việc lái, phụ xe bắt hành khách quỳ là côn đồ. Doanh nghiệp xử lý rất nghiêm sai phạm của nhân viên, trung bình mỗi ngày đuổi một người.

- Ông nhìn nhận thế nào về việc lái, phụ xe đánh chửi và bắt hành khách lên nhầm xe phải quỳ thì mới cho xuống?

- Đây là trường hợp rất đáng tiếc và là hình ảnh phản cảm bởi toàn hệ thống đang vào cuộc, các sở ngành rất tích cực nhằm đưa chất lượng dịch vụ lên cao. Ngay khi biết thông tin, Tổng công ty đã có văn bản yêu cầu Xí nghiệp Xe điện Hà Nội xử lý, làm khẩn trương, nghiêm túc để sớm thông tin lại cho hành khách, báo chí.

Quan điểm của Tổng công ty là xử lý nghiêm và đương nhiên người vi phạm sẽ bị sa thải. Trung bình mỗi ngày chúng tôi đuổi việc một người, nhất là trong đợt cao điểm vừa qua. Thế nên không có chuyện Transerco dung túng cho nhân viên mà chúng tôi còn muốn xử lý mạnh hơn để làm gương cho cán bộ, nhân viên.

Việc này chẳng ai mong muốn. Nó quá côn đồ và có người gọi đó là xã hội đen thì cũng đúng. Từ 10 năm nay chưa có trường hợp lái phụ xe bắt hành khách quỳ.

- Lý giải về những hành động, lời nói thiếu lịch sự với khách, nhiều lái và phụ xe cho rằng họ bị áp lực công việc như chậm giờ, tăng chuyến nên đôi khi dẫn tới cáu gắt. Nhìn từ khía cạnh lái xe buýt, ông chia sẻ gì?

- Với lái xe, áp lực là rất lớn như văn hóa người dân không cao, đi xe máy tạt đầu, rồi đường đông giờ cao điểm chẳng có ưu tiên gì cho xe buýt khiến lái xe phải vật lộn để giành đường. Phương tiện đông, xe phải nhích từng tí một, chậm khoảng 15-20 phút, cá biệt có tuyến chậm 30-40 phút khiến lái xe bức bối. Còn phụ xe khi ấy đi thu tiền, sắp xếp chỗ rất mệt mỏi. Nhiều khi xe đông quá, nhưng nếu mở cửa ra là hành khách cứ ùa lên, kể cả không đóng được cửa thì vẫn bám. Thế nên mới có câu chuyện đóng cửa rồi vẫn có tai nạn và lái xe rất sợ.

Chúng tôi khẳng định không có việc khoán chuyến, lượt bởi biết rõ có thể về chậm do ùn tắc. Nếu về chậm thì không bị phạt nhưng về sớm hơn quy định thì sẽ bị phạt bởi biểu đồ thời gian được tính toán rất khoa học, về trước tức là đi quá tốc độ hoặc bỏ điểm dừng.

Trước đây, khi làm cú hích cho xe buýt Hà Nội, lương của lái xe và nhân viên bán vé gấp khoảng 10 lần lương tối thiểu nhưng giờ lương lái xe khoảng 7-8 triệu đồng, còn lương phụ xe khoảng 2-3 triệu đồng. Nhiều người sẵn sàng nhảy ra ngoài làm lái xe liên tỉnh, xe du lịch với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Chính vì thế mà xảy ra tình trạng thiếu lái xe, nhân viên bán vé.

- Để giải quyết ùn tắc, Chính phủ giao Hà Nội và TP HCM nghiên cứu hạn chế xe cá nhân, phát triển giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt.
Điều này gây áp lực như thế nào cho Transerco?

- Đó là cơ hội và là thách thức cho chúng tôi. Nếu được lãnh đạo và nhân dân quan tâm, hạn chế phương tiện cá nhân và ưu tiên vận tải công cộng thì là cơ hội để vận tải công cộng có điều kiện để chuyển sang giai đoạn mới. Mặt khác, khi hạn chế phương tiện cá nhân để chuyển sang phương tiện vận tải công cộng, người dân sẽ đặt câu hỏi về khả năng đáp ứng bởi 80% phương tiện đi lại của nhân dân hiện nay là xe máy.

Và xe buýt sẽ được đưa lên bàn mổ xẻ, hay nói cách khác là đưa qua một lăng kính. Thứ nhất, nó sẽ giúp cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý thành phố hoàn thiện hệ thống ấy hơn, chất lượng tốt hơn. Mặt khác, nó cũng là áp lực bởi từ góc nhìn nào đó, có một hiện tượng cụ thể bị gán cho cả hệ thống đôi khi sẽ ảnh hưởng đến động lực, sự phấn đấu của cả một tổ chức.

Xe buýt 80 chỗ, giờ cao điểm phải chở gấp đôi, thậm chí lên tới 200 người. Ảnh: Hoàng Hà.
Xe buýt 80 chỗ, giờ cao điểm phải chở gấp đôi, thậm chí lên tới 200 người. Ảnh:Hoàng Hà.


- Theo ông, phải làm thế nào để vừa nâng cao chất lượng, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu hành khách, vừa tránh gây ùn tắc giao thông?

- Tốt nhất là có làn ưu tiên và tín hiệu ưu tiên cho xe buýt qua các nút giao cắt. Trên những tuyến một chiều nên chia đường thành 3 làn, trong đó làn ngoài cùng cho ôtô, làn giữa cho xe máy, xe đạp và làn trong cùng cho xe buýt.

Trên những trục thường xuyên quá tải vào giờ cao điểm của xe buýt, Transerco cũng đề xuất tăng tần suất, nghĩa là không phải tăng đều mà là thêm xe buýt tăng cường hay còn gọi là buýt nhanh, không đỗ ở tất cả điểm, giúp giảm tải trong giờ cao điểm. Ngoài ra, những vỉa hè rộng khoảng 5 mét nên xén để tạo thành vịnh cho xe buýt dừng, đón trả khách thì khả năng lưu thoát trên đường sẽ vẫn rất tốt.

Đấy là nhưng giải pháp rất cụ thể mà Tổng công ty Vận tải Hà Nội đang đề nghị lên Sở Giao thông để có thể sớm triển khai.

-
Xe buýt hiện nay phần đông hành khách là học sinh, sinh viên và người già. Vậy làm sao để vận động công chức sử dụng loại phương tiện này?

- Muốn công chức đi xe buýt thì, thứ nhất là xe phải đúng giờ. Nếu đi 7h mà 8h chưa tới nơi thì không ai đi. Thứ nữa là việc tiếp cận của hành khách, phải làm sao đó để xe buýt có mạng phủ tốt hơn, bởi hiện vẫn còn nhiều khu vực xe buýt chưa tiếp cận được. Phải có hệ thống minibus chở khách từ khu dân cư đường hẹp ra điểm trung chuyển, với giá rẻ như các nước vẫn đang làm.

Thứ nữa, nếu không hạn chế phương tiện cá nhân thì câu chuyện chuyển sang xe buýt vẫn rất khó. Hạn chế có 2 hình thức: người sử dụng phương tiện cá nhân phải chi phí cao hơn nhiều so với người đi phương tiện công cộng. Nguồn thu đó thành phố có thể quay trở lại đầu tư cho phương tiện công cộng và cơ sở hạ tầng. Tiếp nữa là phải gây khó khăn cho việc sử dụng phương tiện cá nhân như không có chỗ đỗ xe.

Trên thế giới, xe buýt bao giờ cũng có 2 loại. Thứ nhất là xe buýt thông dụng như hiện nay, thứ hai là xe buýt nhanh (BRT) có đường ưu tiên, đường dành riêng, đi nhanh hơn và ở bên trong cũng tiện nghi hơn. Hôm trước họp với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng tôi có đề nghị triển khai hệ thống minibus và Transeco đang hợp đồng với bên tư vấn để nghiên cứu, đề xuất thành phố.

Transerco hiện có hơn 5.000 nhân viên, hoạt động trên 900 xe buýt và mỗi ngày vận chuyển hơn một triệu lượt người.




Theo vnexpress
Gáo nước lạnh dội vào quyết tâm của Bộ trưởng
Gáo nước lạnh dội vào quyết tâm của Bộ trưởng

Bao nhiêu lời kêu gọi, bao nhiêu nỗ lực cải thiện hình ảnh xe buýt của Bộ trưởng Bộ Giao thông liệu có sức nặng bằng một phút nông nổi của hai tay lái và phụ xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN