Tình trạng đội vốn tại các công trình giao thông đã diễn ra từ nhiều năm nay tại hầu hết các dự án. Ngăn chặn tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang rà soát lại toàn bộ các dự án về chủ trương, nguồn vốn đầu tư, thiết kế... nhằm cắt giảm các dự án không cần thiết, tiết giảm vốn đầu tư ngân sách. Đội vốn 2 - 3 lầnLâu nay, câu chuyện đội giá, vượt giá của các công trình giao thông là điều quen thuộc, tới mức các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn coi thực tế này là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Không ít dự án chỉ vừa khởi công đã vượt tổng mức vốn đầu tư, thậm chí đến 2 - 3 lần. Cụ thể: Tuyến cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng khi khởi công và ký hợp đồng BOT chỉ khoảng 24.500 tỷ đồng, nhưng sau một thời gian xây dựng, nhà đầu tư tuyên bố "sốc" cần hơn gấp đôi, tức khoảng 50.000 tỷ đồng mới làm xong. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới đầu cũng chỉ khoảng 3.700 tỷ đồng, tuy nhiên khi hoàn thành đã tăng lên gần 8.900 tỷ đồng...
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả được chủ đầu tư rà soát và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để tiết giảm chi phí đầu tư. |
“Việc đội giá này khiến bài toán huy động vốn và hoàn vốn của các dự án sau này gặp rất nhiều khó khăn, phải xin nhiều cơ chế đặc thù, hỗ trợ để tháo gỡ”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bức xúc.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Dương Viết Roãn, nguyên nhân khiến các dự án giao thông bị đội vốn chủ yếu do việc chọn quy mô đầu tư dự án hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế. Chẳng hạn, như đối với các dự án xây dựng quốc lộ, khi xử lý nền đất yếu, có thể đắp nền trực tiếp trên nền đất yếu, theo dõi bù lún trong quá trình khai thác, nhưng các dự án thường chọn giải pháp xây dựng cầu cạn có chi phí xây dựng cao hơn từ 3 - 4 lần. Hay các dự án xây cầu vượt hiện nay do chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, nên nơi làm tĩnh không ở mức 4,5 m, có nơi làm 4,75 m. Cao lên một chút là cầu lại dài thêm, kéo theo tăng vốn. Nếu có quy chuẩn thống nhất, sẽ không xảy ra tình trạng này...
Truy trách nhiệm đến cùngTrước thực tế này, việc rà soát các dự án giao thông để tiết giảm vốn, không để đội tổng mức đầu tư đang trở thành "chỉ lệnh" bất di bất dịch tại Bộ GTVT đối với từng dự án.
Cụ thể: Tiểu dự án cầu vượt tại Hà Tĩnh do một công ty con của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) làm chủ đầu tư, dự toán thiết kế với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng, nhưng sau khi rà soát chỉ còn 90 tỷ đồng, giảm tới 71 tỷ đồng. Các hạng mục dôi ra gồm cả tư vấn, thiết kế, khối lượng thi công...
“Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp, việc tiết giảm tổng mức đầu tư các dự án giao thông là thể hiện trách nhiệm của ngành GTVT. Đây là việc làm hiệu quả, bởi suất đầu tư giảm xuống thấp nhất, trong khi vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đồng thời chống thất thoát, lãng phí”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vừa được Bộ GTVT hoàn tất các thủ tục rà soát, thay đổi các giải pháp kỹ thuật để tiết giảm tối đa chi phí, tăng hiệu quả công trình. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án này được Bộ GTVT phê duyệt khoảng 16.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Tuy nhiên, qua rà soát, điều chỉnh thiết kế như: Thay đổi chiều dày vỏ hầm, cầu thép được thay bằng cầu bê tông, tận dụng tối đa các tuyến đường lâm sinh của địa phương để làm đường công vụ... dự án đã tiết giảm được tới hơn 3.700 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, Hồ Minh Hoàng cho biết: Những điều chỉnh trên không làm ảnh hưởng đến quy mô, kết cấu, cũng như hiệu quả sử dụng của công trình. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh thi công, rút ngắn thời gian về tiến độ cũng góp phần kéo giảm chi phí và tổng mức đầu tư.
Tại cuộc họp mới đây về kiểm soát tiến độ, chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, QL14, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Dự án nào chi vượt dự toán, thì chủ đầu tư tự bỏ tiền ra trả”. Tới đây, qua rà soát, dự án nào phát hiện “phình vốn”, chủ đầu tư, nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, để triệt để tiết kiệm khi đầu tư, Bộ GTVT đã ban hành riêng một văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành hiện nay khi nghiên cứu, đề xuất các dự án khả thi xây dựng cầu đường bộ, nếu công trình cần phá bỏ cầu cũ phải được Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT kiểm tra, cho phép. Trường hợp công trình có cầu cũ vẫn có khả năng sử dụng, thì lựa chọn phương án giữ nguyên cầu cũ, sửa chữa để tiếp tục khai thác. Thậm chí, trong quá trình tư vấn thiết kế, các chủ đầu tư dự án tới đây sẽ không được lạm dụng sử dụng móng cọc khoan nhồi để xử lý móng mố, trụ, làm tăng kinh phí xây dựng...
Tiến Hiếu