Vụ việc nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức là rất nghiêm trọng và có dấu hiệu vi phạm mang tính chất hệ thống… Vậy với vai trò là nơi giám định, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội đã và sẽ làm gì?
Ông Phạm Lương Sơn (ảnh), Trưởng ban Thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
´Việc nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) như thế nào, thưa ông?
Số liệu báo cáo ban đầu cho thấy, việc nhân bản xét nghiệm gây tổn thất cho quỹ BHYT khoảng 70 triệu đồng. Nhưng để có con số chính thức thì chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan điều tra. Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là vụ việc gây ra một dư luận xã hội không tốt, đặc biệt có nguy cơ tổn hại đến sức khỏe người bệnh nếu bác sĩ dựa vào kết quả xét nghiệm không chính xác đó để điều trị.
Thực ra, từ tháng 5/2013, cơ quan BHXH đã phát hiện ra hiện tượng này. Chúng tôi đã chỉ đạo BHXH Hà Nội không thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT quý I và II năm 2013 cho Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hoài Đức và xem xét lại các chi phí xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh từ năm 2012 đến nay.
Bệnh nhi Phạm Văn Đạt, 3 tuổi, bị viêm phế quản có cùng kết quả xét nghiệm với người 40 tuổi bị tâm thần. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Cụ thể, chúng tôi đang yêu cầu rà soát lại xem trong số chứng từ quyết toán 14 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh đã chi trả cho BVĐK Hoài Đức năm 2012 và hơn 1 tỷ đồng của năm 2013, có chứng từ khống không; nếu có thì sẽ thu hồi lại kinh phí. Đây là công việc rất phức tạp vì chúng tôi phải rà soát lại toàn bộ bệnh án mà BV đã quyết toán với cơ quan BHXH; đồng thời phải làm giám định ngược, tức là phải về nơi công tác hoặc cư trú của người bệnh để xin xác nhận trong thời gian đó, họ có tham gia khám chữa bệnh tại BVĐK Hoài Đức hay không? Các cán bộ BHXH Hà Nội và Hoài Đức đang làm việc rất tích cực, chúng tôi tin có thể đưa ra số liệu từ chối thanh toán hay xuất toán đối với BV vào ngày 15/8.
´Hành vi này xảy ra từ giữa năm 2012, tại sao cán bộ làm công tác giám định BHYT tại đây lại bỏ lọt những phiếu xét nghiệm giống nhau và trong một thời gian dài đến vậy, thưa ông?
Hàng năm chúng tôi phải giám định hàng trăm triệu lượt khám chữa bệnh, nên tình trạng để “lọt” sai sót là khó tránh khỏi. Hơn nữa, nếu nhân viên y tế và lãnh đạo BV cố tình làm sai thì sẽ có những giải pháp né tránh. Dẫu vậy, tôi cũng khẳng định ở đây có trách nhiệm của cơ quan BHXH và đội ngũ giám định. Chúng tôi coi đây là bài học rút kinh nghiệm và đã chấn chỉnh cán bộ của mình.
Chúng tôi đã yêu cầu BHXH Hà Nội chỉ đạo BHXH huyện Hoài Đức kiểm điểm những cá nhân có liên quan tới công tác kiểm soát chi phí ở BVĐK Hoài Đức. BHXH Hoài Đức phải báo cáo rõ về giám định viên, trình độ chuyên môn như thế nào, thực hiện quy trình làm việc ra sao… để từ đó có thể xác định trách nhiệm giám định viên. Đồng thời, yêu cầu cán bộ của BHXH Hà Nội phụ trách huyện Hoài Đức phải báo cáo rõ những việc đã làm trong năm 2012 và 6 tháng năm 2013. Về phía BHXH Việt Nam cũng đã cử một đoàn công tác xuống BHXH Hà Nội để kiểm tra công tác thanh quyết toán tại BVĐK Hoài Đức.
´Cơ quan BHXH sẽ có biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh?
Chúng tôi đang yêu cầu đơn vị viết phần mềm thanh toán KCB chú ý về việc mã hóa thông tin số liệu thẻ của bệnh nhân BHYT. Hiện nay, số liệu thẻ BHYT của bệnh nhân luôn được lưu trữ tại các cơ sở y tế. Do đó, khi nhân viên y tế cố tình lạm dụng thì rất dễ dàng vì họ đã có thông tin về thẻ để làm chứng từ khống.
Bên cạnh đó, việc thay đổi các phương thức chi trả, thay đổi trong công tác giám định để bảo vệ quyền lợi và tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ… cũng là vấn đề mà chúng tôi trăn trở bấy lâu. Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã thực hiện thí điểm tổ chức giám định thanh toán chi phí theo tỉ lệ hồ sơ tại 10 tỉnh, thành phố và hiệu quả rất khả quan. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang hoàn thiện đề án đó để trình Chính phủ triển khai trên diện rộng. Theo tôi, đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá, khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ giám định và nguy cơ lạm dụng quỹ BHYT tại cơ sở y tế.
Với riêng vụ việc tại BVĐK Hoài Đức, hiện nay, cơ quan BHXH thiên về hướng lạm dụng quỹ BHYT. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho bệnh nhân tham gia BHYT đã từng xét nghiệm tại BV đa khoa Hoài Đức từ tháng 7/2012- 5/2013, ngành y tế Hà Nội đã bố trí nhân lực để khám chữa bệnh lại cho những bệnh nhân này.
Đặc biệt, để đề phòng trường hợp xấu nhất là có một số bệnh nhân có thể đã nhận kết quả xét nghiệm nhân bản, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả điều trị, chúng tôi sẽ đề nghị với Sở Y tế Hà Nội, BVĐK Hoài Đức, chủ động rà soát, sớm liên hệ tới các gia đình để khám chữa bệnh lại cho những bệnh nhân nặng, nguy cơ cao nhất là người già, trẻ sơ sinh…
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)