Theo Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm, chiều 1/7, áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông, nhiều khả năng hướng vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Khi di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Sự ảnh hưởng của bão đối với các tỉnh miền Bắc và miền Trung sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to cho khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế (khu vực trọng tâm mưa to là Tây Bắc, Đông Bắc,) khiến nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở đây là rất lớn.
Mặt khác, vừa qua, các tỉnh miền Bắc đã xảy ra sạt lở đất, lũ quét, với sự ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới như trên, trước khi mưa lớn xảy ra với cường độ mạnh, các địa phương thuộc khu vực này cần rà soát các vùng trọng yếu có khả năng cao xảy ra lũ quét để có các biện pháp di dời cũng như phòng tránh kịp thời.
Các tỉnh miền Trung vừa trải qua một giai đoạn nắng nóng kéo dài và khô hạn. Hiện nay, mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn (từ đêm 1-3/7). Do vậy, ở khu vực này, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất xảy ra là rất lớn. Chính quyền địa phương cần phải khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có các biện pháp phòng tránh. Mưa lớn tại miền Trung từ đêm 1/7 đến ngày 3/7 sẽ làm nắng nóng chấm dứt và làm giảm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở khu vực này.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, đợt nắng nóng từ ngày 3/6 đến 1/7 đã kết thúc. Trong vòng 28 ngày qua, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ liên tục xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ kỷ lục cao nhất trong lịch sử liên tiếp được ghi nhận tại một số trạm như Quỳ Hợp (Nghệ An) là 43 độ C. Riêng đối với huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trong đợt nắng nóng từ 3/6-1/7, nhiệt độ cao nhất theo ghi nhận là 43,3 độ C (nhiệt độ trong lịch sử được ghi nhận tại khu vực này là 43,4 độ C, xảy ra từ tháng 4/2019). Đến thời điểm hiện tại, nắng nóng giảm nhiều và bắt đầu xuất hiện mưa nhỏ ở khu vực miền Trung.