Đề cập về vụ việc này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Vụ bắt cóc ở Hà Nội vừa qua cho thấy nguy cơ mất an toàn của trẻ em có thể xảy ra bất kỳ nơi nào, bất kỳ nơi đâu. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ em cần phải được tăng cường ở nhiều phương diện, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương, của gia đình và nhà trường.
"Có thể thấy rằng đây là vụ việc bắt cóc hiếm gặp nhưng thực tế nó đã xảy ra ở Việt Nam. Qua câu chuyện này, nhiều bậc phụ huynh nói riêng và mọi người đều lo lắng cho cháu bé. Rất may mắn, cháu bé đã thoát khỏi được sự nguy hiểm, được trở về an toàn bên gia đình", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong thời gian bị uy hiếp, nếu cháu bé nghe theo yêu cầu của đối tượng bắt cóc, sẽ được đảm bảo an toàn hơn. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng có thể bình tĩnh như cháu N.T.P. Hơn nữa, khi chứng kiến việc đối tượng luôn đe dọa sẽ sát hại cháu bé nếu gia đình không hợp tác và mang tiền đủ, nhiều cháu sẽ trở nên hoảng loạn sợ hãi, kêu cứu làm lộ sự việc dẫn đến đối tượng có thể "giết người diệt khẩu".
“Trong lúc bị bắt cóc, cháu bé sợ bị đầu độc nên không ăn đồ ăn mà đối tượng đưa, chỉ uống nước vì cho rằng đối tượng cũng uống nên khả năng an toàn cao, là điều đáng khen ngợi. Có lẽ vì cháu bé bình tĩnh, tỉnh táo và có cách xử trí phù hợp, nên đối tượng đã yên tâm về việc đã khống chế được và không làm hại cháu trong suốt thời gian đó", luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận.
Theo ý kiến của một số luật sư, sau vụ việc trên, các bậc phụ huynh cũng như các cơ sở giáo dục đào tạo nên có những chương trình tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng thoát hiểm cho các cháu bé khi gặp các tình huống nguy hiểm, như bị bắt cóc.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng, hành vi của Nguyễn Đức Trung có dấu hiệu của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Đây là tội phạm có cấu thành hình thức nên việc đối tượng Trung đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa không phải là căn cứ để xác định có hay không hành vi phạm tội. Vì tội phạm đã hoàn thành ngay từ khi đối tượng cố ý bắt cóc trẻ em với mục đích chiếm đoạt tài sản. "Hành vi của đối tượng đã thuộc trường hợp quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 169 BLHS với khung hình phạt cao nhất đến 12 năm tù", luật sư Nguyễn Văn Hưng phân tích.
Luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích: "Hành vi của đối tượng cực kỳ hung hãn, manh động, đối tượng dùng súng chống trả quyết liệt và gây thương tích cho cả đồng chí cảnh sát làm nhiệm vụ. Đối tượng sẽ phải đối diện với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 52 BLHS do phạm tội với người dưới 16 tuổi.
Số tiền chuộc đối tượng yêu cầu gia đình đưa là 15 tỷ đồng, nếu cơ quan tố tụng xem xét đây là tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 169 BLHS, khung hình phạt đối tượng sẽ phải đối mặt là từ 12 - 20 năm tù hoặc tù chung thân".
Nhiều ý kiến cho rằng: Việc bị can Nguyễn Đức Trung còn chống trả khi bị vây bắt, nổ súng về phía cảnh sát là hành vi rất nguy hiểm. Nếu điều tra, làm rõ nhận thức của đối tượng là nổ súng với mục đích giết người, đối tượng này có thể còn phải đối mặt với tội "Giết người" (trường hợp phạm tội chưa đạt) Điều 123 BLHS năm 2015.
"Nếu khẩu súng đối tượng dùng để chống trả lại cảnh sát là súng quân dụng hoặc tính năng tương tự, thì đối tượng rất có thể sẽ bị xử lý thêm về tội 'Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng' quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015”, đại diện Văn phòng Luật sư Nhân Chính nhấn mạnh.