Trong bối cảnh dịch COVID -19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, sinh viên Đại học Đà Nẵng không chỉ chịu tác động, ảnh hưởng về học tập, sinh hoạt, phải nỗ lực để thích ứng mà trong số đó, còn không ít điển hình sinh viên có những nghĩa cử, hành động đẹp, sẵn sàng chung sức dấn thân cùng cộng đồng phòng, chống dịch.
Thạc sỹ Lê Đình Quang Phúc, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Đà Nẵng cho biết “Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay sau khi thành phố Đà Nẵng triển khai Chỉ thị 16 trên một số địa bàn, trong đó có phường Hoà Khánh Bắc, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã phát động Chiến dịch Mùa hè Xanh 2021 bằng việc ra quân tham gia công tác phòng, chống dịch ngay tại địa bàn Trường đóng chân (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng)”.
Để chuẩn bị cho sinh viên tham gia công tác tình nguyện, các trường đại học, đơn vị thành viên Đại học Đà Nẵng đã hướng dẫn sinh viên tuân thủ công tác phòng, chống COVID-19. Riêng Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) tổ chức chương trình tập huấn, hướng dẫn sinh viên đã đăng ký tình nguyện viên các biện pháp phòng ngừa COVID-19 và các biện pháp tác nghiệp an toàn trong khu cách ly tập trung. Các bạn sinh viên được hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng quy định, cách sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tham gia phòng, chống dịch tại cơ sở; thực hành các kỹ năng, nghiệp vụ giám sát y tế, hỗ trợ bệnh nhân trong khu cách ly, sàng lọc những trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm…
Khoa Y Dược cũng đã phát động và nhận được nhiều đăng ký của cán bộ, sinh viên tình nguyện tham gia phòng, chống dịch theo chủ trương của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng. Đã có 15 cán bộ, giảng viên và gần 100 sinh viên Khoa Y Dược đã được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch khi có điều động của cơ quan chức năng. Trên 70 tình nguyện viên Trường Đại học Bách khoa tham gia thu dọn, đóng gói vật dụng của sinh viên tại ký túc xá để bàn giao 50 phòng (400 giường) cho thành phố sử dụng làm khu cách ly dự phòng. Đây là chủ trương kịp thời, hiệu quả tiếp nối thành công và kinh nghiệm từ các đợt cao điểm phòng, chống dịch trước đó khi Đại học Đà Nẵng đã chủ động sắp xếp, bàn giao các ký túc xá tại nhiều trường Đại học thành viên (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, ĐH Sư phạm kỹ thuật, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại tỉnh KonTum) phục vụ cho công tác cách ly phòng, chống dịch của thành phố Đà Nẵng cũng như tỉnh Kon Tum.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức các đội hình chuyên cho sinh viên tình nguyện tham gia trực chốt tại các điểm kiểm dịch với các công việc phù hợp từ việc hỗ trợ người dân khai báo y tế, ghi chép, kiểm đếm, giám sát cộng đồng đến làm các kính chống giọt bắn cho các cán bộ, tình nguyện viên để phòng dịch. Các bạn chia sẻ: "Mặc dù làm việc cả ngày trong điều kiện thời tiết nóng bức khiến bản thân mệt mỏi, nhưng nhìn trên gương mặt mỗi cô, chú cán bộ trực chốt hay mọi người dân qua đây đều ý thức, tuân thủ quy định phòng, chống dịch thì mình lại quên đi nỗi mệt nhọc, xua tan cơn buồn ngủ và cảm nhận được niềm vui góp sức nhỏ bé để thành phố mình sớm trở lại bình thường”.
Sinh viên Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) cũng đã tích cực tham gia các chốt kiểm dịch hỗ trợ người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt tại các cửa ngõ ra vào thành phố, trong đó có không ít tình nguyện viên mới vào sinh viên năm nhất với tinh thần “bất cứ lúc nào và ở đâu cần đến sức trẻ thì sinh viên Y khoa sẵn sàng có mặt”.
Nổi bật nhất là chương trình tình nguyện hỗ trợ rau, củ, quả từ tỉnh Kon Tum chuyển đến người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được Tống Nguyễn Duy Thanh, sinh viên năm thứ 4 của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại tỉnh Kon Tum khởi xướng cùng các bạn vận động bà con địa phương mình, lan toả qua mạng xã hội để gom góp lương thực (trứng, bí đỏ, bắp cải, đậu cove, cà tím…), ủng hộ đồng bào trong các vùng dịch.
Duy Thanh cùng nhóm đã quyết định bỏ tiền thuê xe và may mắn tìm được chủ xe cho thuê với giá rẻ, người dân còn phụ giúp thêm xăng dầu để chuyên chở rau, củ, quả vào miền Nam. Đã từng tham gia các đợt vận động cứu trợ nông sản trước đó nhưng đây là lần đầu tiên Thanh chạy xe đường dài với những chuyến xe liên tục (đã được 05 chuyến xe) cứ 2 ngày rưỡi đến nơi là chuyển hàng xuống điểm tập kết hỗ trợ người dân đã ngay lập tức quay đầu cho chuyến xe kế tiếp. Mặc dù đang phải tập trị liệu sau lần mổ gân tay cuối tháng 6, Thanh vẫn một mình lái xe, ăn ngủ trên xe, tắm tạm ở những trạm cây xăng giữa mùa nắng nóng. Bánh mì ngọt, nước suối… là những đồ ăn, thức uống mà Thanh sử dụng suốt nửa tháng qua trên hành trình cứu trợ.
“Em đồng cảm, thấy thương người dân miền Nam… Nhiều lúc mệt rã rời, không nhấc nổi chân tay nhưng nghĩ đến các anh, chị công nhân, người dân và sinh viên nghèo đang phải giãn cách lại không có đủ đồ ăn, thức uống, em không cầm lòng… Chỉ đến khi hết hàng, hết tiền đổ dầu thì chắc mới đành chịu nghỉ", Thanh chia sẻ. Những “Chuyến xe 0 đồng" chuyển tình thương Kon Tum hướng về miền Nam đem đến từng bó rau xanh, củ quả tươi chuyển tận tay giúp người dân trong lúc ngặt nghèo.
Trong khó khăn, tình nhân ái, nghĩa đồng bào thực sự đã trở thành niềm khích lệ, động viên kịp thời, quý báu. Những việc làm, nghĩa cử đẹp của sinh viên Đại học Đà Nẵng như thế sẽ tiếp tục lan toả tinh thần tương thân tương ái, tăng thêm sức mạnh cùng cộng đồng vượt qua đại dịch.