Thương hiệu Sôcôla Hallelu từ hạt cacao Việt Nam
Tôi gặp anh Nguyễn Hồng Huy, Giám đốc Công ty TNHH Socola Hallelu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022. Diễn đàn được tổ chức thường niên và được xem là nơi tập hợp những tinh hoa thanh niên khởi nghiệp đến từ mọi miền tổ quốc.
Anh Huy nhớ lại điểm khởi đầu: “Tôi từng làm kỹ sư cơ khí cho một công ty nước ngoài và có cơ hội được tiếp xúc nhiều với bạn bè người Pháp. Một vài người bạn tôi gặp luôn đặt câu hỏi về cacao Việt Nam, cũng như chất lượng vượt bậc của hạt cacao Việt Nam mà bấy giờ tôi chưa hề biết đến. Tuy nhiên, trong những tháng ngày công tác khắp miền Tây đưa tôi về huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Nơi đã cho tôi nhận ra tiềm năng cacao tại Việt Nam là có thật”.
Nhiều bạn trẻ giống như tôi, vốn liếng lớn nhất là đam mê và trái tim luôn khát khao những điều mới mẻ.
Nhưng tiếp xúc với nông dân trồng cây cacao mới thấy nhiều vấn đề nan giải: Hợp tác xã cacao đóng cửa, công ty không thu mua hạt nữa, gần như bà con không còn mặn mà canh tác. Khi hỏi tại sao chúng ta không sản xuất socola? Họ cười và nói rằng, chưa từng biết nó được làm ra như thế nào. Thậm chí, họ chưa từng ăn sôcôla. “Tôi nghĩ rằng, bằng mọi cách phải nâng tầm cacao Việt Nam vươn ra thế giới”, anh Huy chia sẻ.
Trong quá trình làm, anh Huy nhận thấy hệ thống máy móc sản xuất đến từ các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, Italia... rất đắt đỏ. “Có những đêm tôi mất ngủ với muôn vàn câu hỏi, chẳng lẽ mình phải dừng bước, nước ngoài làm được thì mình cũng làm được? Ý tưởng tự chế tạo dây chuyền sản xuất riêng cho Hallelu xuất phát từ đó. Và xa hơn là cho người Việt có thể làm chủ được mọi khâu sản xuất sôcôla để cạnh tranh với thế giới”, anh Huy trải lòng.
Vậy là với kiến thức của một kỹ sư cơ khí, anh Nguyễn Hồng Huy đã thành công khi chế tạo ra máy nghiền đầu tiên - một mắt xích quan trọng khi sản xuất sôcôla và tạm thời làm thủ công cho những công đoạn còn lại. Năm 2017, khi cơ bản tạo ra được những thỏi sôcôla, bột cacao, anh Huy mở một cửa hàng ngay tại trung tâm phố Tây – Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh) nơi giới thiệu sản phẩm và nghiên cứu sâu hơn khẩu vị của khách phương Tây.
Đầu năm 2018, khi dây chuyền máy móc được hoàn thiện, anh Huy mở nhà máy sản xuất tại TP Thủ Đức. Dây chuyền đủ 10 công đoạn, từ sử dụng máy móc hiện đại cho đến những khâu thủ công tỉ mỉ. Các máy móc được anh Huy chế tạo ra như máy nghiền cacao với công suất 100 kg/ mẻ thuộc dạng cao nhất thế giới lúc đó; máy ép bơ cacao công suất 20 kg/ giờ; máy đổ khuôn và gia nhiệt với công suất 40 kg/mẻ... được Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, đối tác và khách hàng khen ngợi.
Anh Nguyễn Hồng Huy tâm sự: “Nhiều bạn trẻ giống như tôi, vốn liếng lớn nhất là đam mê và trái tim luôn khát khao những điều mới mẻ. Tôi đã có một lối rẽ đầy liều lĩnh, nhưng cũng thật hạnh phúc khi góp phần giúp ngành cacao Việt Nam trở lại. Đồng thời, tạo được việc làm cho bà con trên chính quê hương của loại nông sản này”.
Đưa nghề truyền thống hội nhập
Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và trải qua nhiều công ty xây dựng nhưng anh Vũ Minh Ngọc (sinh năm 1991) lại chọn con đường về quê lập nghiệp từ nghề làm giấm truyền thống của gia đình tại làng Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Anh Ngọc cho biết: “Trong thời gian làm việc cho các tập đoàn xây dựng lớn, tôi có cơ hội được chiêm nghiệm thị trường. Sản phẩm truyền thống của gia đình không khác những sản phẩm hữu cơ nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ đó, tôi đã mong muốn có sản phẩm cho riêng mình”.
Vậy là Công ty TNHH Nông sản cô Tâm ra đời với một xưởng sản xuất nhỏ ngay tại gia đình. Anh vừa sản xuất vừa tự nghiên cứu, học hỏi, tìm đọc tài liệu về quy trình lên men giấm. Đồng thời, anh đem mẫu sản phẩm đi thẩm định, đánh giá chất lượng, xin tư vấn của các chuyên gia tại các viện thực phẩm, các trường đại học, các nhà máy bia... để chuẩn hóa quy trình sản xuất và hoàn thiện nhãn mác “giấm cô Tâm” cho sản phẩm truyền thống của gia đình.
Với những thành tích đã đạt được, anh Vũ Minh Ngọc đã trở thành một trong 57 nhà nông trẻ xuất sắc năm 2021, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương trao tặng giải thưởng Lương Định Của vào đầu năm 2022.
Với khát vọng đưa sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng, suốt 4 năm qua, điểm đến của chàng kỹ sư xây dựng là những cửa hàng thực phẩm sạch, hoa quả sạch ở khắp các tỉnh, thành phố để chào hàng và học hỏi kinh nghiệm bán hàng, tạo chuỗi cung ứng cho sản phẩm. Bằng sự kiên trì ấy, sản phẩm “giấm cô Tâm” đã có mặt tại chuỗi cửa hàng thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh, các cửa hàng thực phẩm sạch, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, với sản lượng khoảng 1.000 chai/tháng.
Trên nền sản phẩm giấm mơ trà xanh truyền thống, anh Ngọc tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm dòng sản phẩm giấm ngâm tiêu xanh, nước cốt mơ ngâm lâu năm cung ứng ra thị trường. Doanh thu của công ty năm 2021 đạt gần 2 tỷ đồng và tạo việc làm cho 35 lao động tại địa phương.
Chia sẻ về dự định trong năm mới 2023, anh Ngọc nói: “Tôi đang ấp ủ việc chế tạo ra sản phẩm vang mơ đặc trưng theo cách chiết kết hợp với công thức sản xuất rượu vang nho phương Tây (dòng balsamic của Italia). Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng người tiêu dùng sử dụng giấm kết hợp với mật ong dưới dạng là đồ uống, thực phẩm làm đẹp giàu probiotic, thanh nhiệt, giải độc, ổn định huyết áp và chăm sóc da, tốt cho sức khỏe”.
Ngoài ra, thời gian tới anh sẽ tập hợp các bạn trẻ tham gia các khóa tập huấn kiến thức về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất và thương mại, nhằm trang bị và thúc đẩy phong trào thanh niên nông thôn làm kinh tế tại làng Bách Cốc, xây dựng kế hoạch “Từ sinh kế đến sinh thái”, hướng tới một làng nghề truyền thống kết hợp du lịch.