Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo hệ thống thú y, khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; xây dựng chuồng, trại kiên cố để chăn nuôi ổn định, lâu dài.
Các hộ xây dựng chuồng nuôi phải có hệ thống thoát nước, chứa chất thải, nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, có chất độn chuồng sạch, không trơn trượt, ẩm mốc; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và phát quang các bụi rậm, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Đồng thời, cho trâu, bò nghỉ làm việc và cho ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, tăng khẩu phần thức ăn tinh cho trâu, bò để bổ sung năng lượng. Ngoài ra, dùng chăn, bao tải khoác cho trâu, bò và thắp điện, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò, đặc biệt là bê, nghé khi nhiệt độ giảm xuống dưới 12 độ C.
Những hộ chăn nuôi với số lượng lớn phải làm lán tạm ở những nơi ít gió lùa để đưa trâu, bò về khi trời giá rét; tuyệt đối không thả rông trâu bò trên rừng trong những đợt rét đậm, thực hiện nuôi nhốt đàn trâu, bò tại chuồng để thuận lợi cho công tác chăm sóc và nuôi dưỡng.
Người dân chăm sóc đàn bò chống thời tiết rét đậm. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN. |
Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải có phương án dự phòng thức ăn cho vật nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài bằng những biện pháp trồng cây ngô, cỏ voi với mật độ đảm bảo diện tích khoảng 300 m2/1 con… Đồng thời, tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm, rạ thân cây ngô, lá mía… để chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô cho trâu, bò ăn trong vụ đông.
Cán bộ thú y tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện bệnh sớm, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra các xã có ổ dịch cũ, kịp thời phát hiện gia súc ốm; tiến hành chẩn đoán, xác minh, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn, dập tắt ngay không để dịch bệnh lây lan.
Các địa phương chú ý theo dõi các bệnh thường dễ phát ra trong mùa đông như: lở mồm long móng; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò; bệnh cúm gia cầm; bệnh tai xanh... Kiểm tra, rà soát kết quả tiêm phòng gia súc, gia cầm trên địa bàn, tổ chức tiêm phòng bổ sung, tiêm lại, tiêm vét đảm bảo 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng bắt buộc được tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo đúng theo quy định.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 150.000 con trâu, bò; hơn 500.000 con lợn, đây là nguồn lực kinh tế quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Nhờ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa đông, trong những năm qua, trường hợp trâu, bò của tỉnh Tuyên Quang chết do đói, rét xảy ra không đáng kể.