Tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin viêm gan B sau sinh chỉ đạt 56%

Đó là thông tin được nêu tại lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Tiêm chủng năm 2014” do Dự án Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Thái Bình tổ chức ngày 26/4, tại thành phố Thái Bình.


Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển,Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng: “Hiện đã có hơn 30 bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng bằng vắc xin; nhờ vậy, thế giới đã ngăn chặn được 2 - 3 ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2012 ước tính vẫn còn khoảng 22,6 triệu trẻ em trên thế giới không được tiếp cận tiêm chủng. Sự thiếu kiến thức về tiêm chủng là một trong những lý do chính khiến người lớn không chọn tiêm chủng cho bản thân và con em mình”.


Vậy nên, khẩu hiệu Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2014 có chủ đề “Tiêm chủng cho một tương lai khỏe mạnh: Biết, kiểm tra và bảo vệ”. Mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức của người dân về các loại vắc xin có sẵn để bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm; Thúc đẩy kiểm tra tình trạng tiêm chủng của bản thân và mỗi gia đình…


“Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương đã lấy chủ đề cho Tuần lễ tiêm chủng năm 2014 là “Bảo vệ con bạn không bị bệnh viêm gan B và ung thư gan, hãy cho con bạn tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Việt Nam cũng đang rất nỗ lực để nâng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh từ 56% (năm 2013) đạt trên 85% vào năm 2014”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới và Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia giám sát buổi tiêm chủng tại Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình.               


Cũng theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, không riêng triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, thời gian qua, công tác tiêm chủng mở rộng gặp rất nhiều thách thức: Ảnh hưởng của một số phản ứng nặng sau tiêm chủng nên nhiều bà mẹ còn e ngại khi đưa con đi tiêm chủng, cán bộ y tế cũng dè dặt khi thực hiện chỉ định tiêm chủng nên rất khó đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao.


Tuy vậy, năm nay, Dự án Tiêm chủng mở rộng vẫn phấn đấu thực hiện mục tiêu đạt trên 85% tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B và Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm đủ mũi vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 80% và phụ nữ tuổi sinh đẻ vùng nguy cơ cao đạt trên 90%. Triển khai tiêm vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%. Triển khai vắc xin phòng thương hàn, tả cho trẻ em tại vùng có nguy cơ cao. Triển khai tiêm nhắc lại vắc xin DPT trên toàn quốc đạt trên 80%, giảm tỷ lệ bệnh sởi dưới 0,1 bệnh nhân/100.000 người dân.


“Thời gian tới, Dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ tập trung vào hoạt động vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi, đặc biệt sẽ triển khai tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ dưới 10 tuổi tại một số tỉnh trọng điểm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà mẹ, cán bộ y tế nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định.


Tại Việt Nam, hiện có 11 loại vắc xin được đưa vào Dự án Tiêm chủng mở rộng; trong đó,10/11 loại vắc xin được sản xuất trong nước (chỉ có vắc xin Hib là chưa sản xuất được).


Tin, ảnh: Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN