Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thảm họa thiên tai, các tỉnh vùng Tây Bắc sớm cập nhật thông tin, kịch bản biến đổi khí hậu và xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, củng cố và tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, chủ động ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Cần kiểm tra và có biện pháp xử lý Các địa phương cần theo dõi sát thông tin cảnh báo về mưa lũ, thông báo đến từng hộ gia đình và từng người dân. Chỉ đạo tuyến huyện, xã kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, tổ chức sơ tán dân tại những khu vực nguy hiểm và cần quan tâm đến những hộ dân sống ở ven sông, suối. Tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn hồ. Đối với các hồ chứa đã đầy nước và có nguy cơ cao thì cần bố trí lực lượng thường trực, theo dõi và vận hành một cách hợp lý để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Cần kiểm tra và có biện pháp xử lý những điểm không an toàn; triển khai các phương án tiêu nước đệm, tiêu úng đảm bảo sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn.
Tuyến đường vành đai biên giới dài 2 km liên huyện Thông Nông - Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng bị ngập sâu 2 m trong đợt mưa lũ vừa qua, khiến người dân phải di chuyển bằng bè mảng. Ảnh: Quân Trang - TTXVN |
Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Cần phát triển hệ thống liên kếtCần phát triển hệ thống liên kết giữa thiệt hại mất mát, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bởi khoảng 20 năm trở lại đây, giảm nhẹ và thích ứng được nhìn nhận như là những cách ứng xử trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Tuy vậy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các thiên tai liên quan đang trở nên tệ hơn, tới mức các nỗ lực để giải quyết chúng là không đủ. Nguy hiểm của biến đổi khí hậu chính là tính cực đoan. Khi biến đổi khí hậu biến chuyển thì tính cực đoan ngày càng tăng lên.
Để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân, công tác di dân ra khỏi vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất luôn được các tỉnh trong vùng Tây Bắc quan tâm. Ngoài việc bố trí kinh phí theo kế hoạch, các tỉnh còn dành nhiều nguồn lực từ chương trình 30a, 135, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường… để xây dựng các cơ sở hạ tầng. Công tác diễn tập phòng chống thiên tai trước mùa mưa với các tình huống giả định được triển khai ở hầu hết các huyện. Việc tuyên truyền về Luật Phòng, chống và ứng phó thiên tai đến người dân cũng đạt được hiệu quả nhất định. Đồng thời các tỉnh cũng đã có kế hoạch dự phòng vật tư, phương tiện, lương thực thực phẩm mùa mưa bão…
Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Thiệt hại do mưa lũ gây ra gần 48 tỷ đồngTrước những diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lũ nghiêm trọng, tỉnh Lào Cai yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương phải đặc biệt lưu ý và tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lớn, gió lốc, ngập úng, sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét… có thể xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai.
Đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến 3/8/2015 đã làm hư hỏng ít nhất 20 nhà dân tại các huyện Sa Pa, Văn Bàn và Bắc Hà, 44 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp. Một số trường, lớp học, công trình thủy lợi của các huyện Văn Bàn, Bắc Hà bị hư hỏng. Về nông nghiệp, Si Ma Cai là địa phương thiệt hại nặng nhất với 21 ha lúa một vụ đang độ làm đòng bị ngập úng và đất đá vùi lấp không còn khả năng cho thu hoạch, tiếp đó là các huyện Bảo Yên thiệt hại trên 10 ha, Văn Bàn trên 5 ha. Giao thông là lĩnh vực thiệt hại nặng nhất.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu: Lấy cộng đồng làm trung tâmỞ nước ta, trong những năm qua, biểu hiện của biến đổi khí hậu đã rõ nét với nhiều tác động tiêu cực và nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội của nhân dân. Thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất... làm tăng số người thiệt mạng; nhiệt độ tăng, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng...
Theo ước tính, trong hơn 30 năm qua, bình quân mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế khoảng 1,5% GDP. Công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Chính phủ quan tâm triển khai với phương châm “4 tại chỗ” và "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, các hiện tượng thiên tai, bão, lũ ngày càng bất thường, trái quy luật và trên thực tế có nhiều trường hợp "nước xa không cứu được lửa gần", dựa vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm trung tâm, phát huy vai trò của cộng đồng tiếp tục là một giải pháp quan trọng đảm bảo tính chủ động, khả năng ứng phó với tình hình một cách linh hoạt và kịp thời. Để nâng cao ý thức, hiệu quả hành động và phát huy vai trò của cộng đồng, cần phải có những yếu tố nhất định do nhà nước tạo ra. Nhà nước cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Tổng kết thực tiễn để hoàn thiện, phát triển phương châm “4 tại chỗ” phù hợp. Tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, phát huy tri thức bản địa trong phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn: Tăng cường công tác phòng, chống lũKhi mưa lũ xảy ra, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Công điện về phòng, chống mưa lũ và cử các thành viên trong Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ. Tỉnh Lạng Sơn cũng khẩn trương tiến hành rà soát lại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để tiến hành sơ tán dân. Ngay trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã có một cháu bé (10 tuổi) ở xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng bị cuốn trôi, hơn 350 ha hoa màu bị thiệt hại, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với khối lượng trên 4.000 m3.
Ông Lò Văn Ún, Bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ (Lai Châu): Người dân Hua Cuổi mong muốn được đến nơi ở mớiBản Hua Cuổi có hơn 100 hộ dân tộc Thái đen, với hơn 500 nhân khẩu sinh sống. Là một bản thuộc vùng sâu, vùng xa, đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Đợt mưa lũ vừa qua, nhiều chỗ trong bản bị sạt lở, sụt lún, vòng cung dài hàng trăm mét, ôm trọn cả bản. Cung sạt, sụt lún này bắt đầu xuất hiện từ sau trận mưa lớn, gây ra trận lũ quét kinh hoàng đối với bản Nậm Cóong, hơn chục năm về trước. Lúc đầu những chỗ sạt, sụt này nhỏ chỉ một, hai gang tay người lớn nhưng mỗi năm nó lại càng dài, to và sâu hơn. Đến nay, nhiều chỗ miệng của cung sạt đã ngoác ra đến cả sải tay, sâu vài sải tay... Phía trước bản, dòng suối Nậm Cuổi suốt ngày gầm réo, nhất là những ngày mưa này, nước từ thượng nguồn đổ về đỏ ngầu. Có đêm, nước lũ đã dâng lên đến nền nhà của một số hộ dân trong bản, ở ven suối. Hầu hết các hộ dân trong bản mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để chuyển nhà đến nơi ở khác, bởi cứ đêm nào có mưa to là bà con dân bản lại sợ không dám ngủ, có ngủ giấc cũng chập chờn.
Nhiều năm qua, người dân bản Hua Cuổi đã không ít lần kiến nghị với xã và các đoàn tiếp xúc cử tri các cấp, xin được hỗ trợ, chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm này nhưng đến nay nguyện vọng của bà con nơi đây vẫn chưa được thực hiện.