Sáng 5/9, tại cảng cá Tân Sơn (huyện Thái Thụy), rất nhiều ngư dân đang khẩn trương kiểm tra lại tàu cá, bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ. Ngư dân Đỗ Hữu Đông (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) cho biết, khi nghe tin trên các phương tiện thông tin về cơn bão số 3 rất lớn, trong đó ảnh hưởng đến tỉnh Thái Bình, ông cùng các bạn thuyền đã khẩn trương kết thúc hành trình đánh bắt để trở về đất liền, nhanh chóng gia cố, đưa tàu về nơi trú ẩn an toàn.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, Thái Bình hiện có 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển; 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải; 672 lồng bè trên sông, cửa sông… Để đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của số lao động này, tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.
Đối với 37 trọng điểm xung yếu đê, kè và cống, trong đó có 8 trọng điểm trên các tuyến đê cửa sông và đê biển đều đã được lập, phê duyệt phương án bảo vệ và giao cho các địa phương chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng triển khai xử lý khi có lệnh yêu cầu hoặc khi có sự cố xảy ra.
Ông Bùi Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư) cho biết, xã có hệ thống đê dài và phức tạp, trong đó có 8 km đê vùng màu; 5,2km đê bối bao bọc hơn 1.000 hộ dân với trên 3.500 nhân khẩu và 3,5km đê quốc gia. Đây cũng là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra.
Ngay trong tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tại vị trí tương ứng đê chính K183+650, đê Tả Hồng Hà II thuộc địa phận xã Vũ Vân xảy ra sạt lở với chiều dài cung sạt 15m, rộng 0,5m, chiều cao 1m. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các lực lượng chuyên môn chỉ đạo, xử lý kịp thời sự cố, đảm bảo an toàn cho tuyến đê theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đối với cơn bão số 3 dự báo rất mạnh, chính quyền xã đã chủ động các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng người dân. Tuy vậy, lo lắng của địa phương là hiện vẫn còn 2 km trong tổng số 5,2km đê bối chưa được cứng hóa. Khi bão đổ bộ kết hợp với triều cường dâng, mưa lớn, gây nguy cơ vỡ đê. Do vậy xã có phương án di dời dân vào các nhà kiên cố, vùng trong đê an toàn; đồng thời tuyên truyền cho nhân dân khẩn trương thu hoạch hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến chiều 4/9 toàn tỉnh có 7.990 hộ với 19.021 người sống trong nhà yếu nằm trong phương án sơ tán.
Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và diễn biến cơn bão, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các cấp, ngành khẩn trương triển khai ứng phó với cơn bão rất lớn này.
Dự kiến trước 18 giờ ngày 6/9, tỉnh sẽ hoàn thành việc di dời người dân tại các khu vực nhà yếu, trũng thấp, nguy hiểm và các lao động tại các chòi canh ngao, đầm bãi, lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Thái Bình dự kiến cấm biển từ 5 giờ ngày 6/9. Đối với các công trình hạ tầng, thủy lợi, đê điều, các công trình giao thông hoặc tài sản trong các khu, cụm công nghiệp…, tỉnh chỉ đạo khẩn trương rà soát, thực hiện ngay các phương án đảm bảo an toàn với quan điểm không chủ quan, lơ là và sẵn sàng mọi biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do cơn bão gây ra.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, từ đêm 6/9, vùng biển ngoài khơi Thái Thụy - Tiền Hải gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, 12, sóng biển dâng cao từ 3 đến 5m, biển động dữ dội. Trên đất liền, từ sáng 7/9 có gió bão mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Từ chiều 6 đến 9/9, trên địa bàn có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300mm; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Dự báo tác động của cơn bão có thể khiến các phương tiện, tàu cá, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên sông, trên biển chịu rủi ro rất lớn của gió mạnh, sóng lớn, nước dâng. Gió mạnh kèm theo mưa lớn có thể làm gãy đổ, ngập úng lúa mùa, rau màu; làm tràn, vỡ bờ bao ao đầm nuôi trồng thủy sản, ngập úng tại các tuyến phố đô thị, vùng trũng thấp. Nước dâng, sóng lớn cũng có thể gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ngoài đê chính khu vực ven biển, vùng cửa sông, gây sạt lở đê, kè, nơi xung yếu vùng cửa sông, cửa biển.