Tại buổi làm việc, ông Hoàng Công Thủy nhấn mạnh: Những năm gần đây, trong khi triều cường và xâm nhập mặn từng bước được kiểm soát, sạt lở bờ sông lại diễn biến hết sức phức tạp ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang. Do vậy, Trưởng Đoàn công tác đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng cường chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về phòng, ứng phó thiên tai; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao công tác cảnh báo về hậu quả sạt lở đất bờ sông, từ đó giúp người dân chủ động phòng, ứng phó hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Hậu Giang cần xây dựng giải pháp căn cơ và lâu dài để phòng, ứng phó sạt lở đất bờ sông. Trong đó, tỉnh tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực để chung tay ứng phó sạt lở đất; chủ động hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở; di dời ngay các hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, tránh tình huống bị động, bất ngờ xảy ra gây thiệt hại về tính mạng và tài sản; xử lý nhanh các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình nhà ở ven sông; sắp xếp di dời dân cư, nhất là ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến ngày 31/7, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trên 7,2 tỉ đồng. Trong đó, dông lốc làm sập 19 căn nhà, tốc mái 61 căn, ước tổng thiệt hại trên 1,6 tỉ đồng; sạt lở bờ sông xảy ra 63 điểm, chiều dài 1.550 m, diện tích mất đất là 9.362 m2, ước thiệt hại trên 5,6 tỉ đồng.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, để chủ động trong công tác phòng, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong những tháng cuối năm, Ban đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn cấp huyện, xã, thực hiện đầy đủ phương châm “4 tại chỗ” và phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai xem xét trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 2) nhằm kiểm soát triệt để xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện các giải pháp phòng, ứng phó sạt lở bờ sông, bờ kênh và thực hiện Đề án di dời dân cư cấp bách do thiên tai và đê bao sông Mái Dầm, huyện Châu Thành. Bên cạnh đó, bố trí kinh phí xây dựng kè chống sạt lở kênh Nàng Mau, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp; kè chống sạt lở sông Ba Láng, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A; kè chống sạt lở kênh Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy; kè chống sạt lở sông Cái Côn, thành phố Ngã Bảy.