Vắc-xin sởi hiệu quả và an toàn

Bệnh sởi hiện đã ghi nhận tại 61/63 tỉnh, thành phố với nhiều trường hợp mắc và biến chứng nặng. Trong tổng số 112 ca tử vong có liên quan đến sởi thì có 25 trường hợp tử vong xác định do sởi. Thực trạng này đã khiến cộng đồng và các bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng về việc có nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng sởi hay không và hiệu quả của vắc-xin này như thế nào. Để giải đáp những thắc mắc này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển, Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về vắc-xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm vắc-xin cho trẻ để đạt hiệu quả cao nhất, đối tượng tiêm cũng như những trường hợp không nên tiêm vắc-xin sởi.

* Phóng viên: Hiện nay, số trường hợp mắc sởi và biến chứng nặng đang gia tăng, đặc biệt là số trường hợp tử vong liên quan đến sởi đã lên tới 112 trường hợp. Viện trưởng đánh giá như thế nào về tình hình này?

* Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay bệnh sởi ở Việt Nam chưa được loại trừ, nghĩa là vi rút sởi hiện vẫn đang còn lưu hành trong cộng đồng. Với chu kỳ 3-4 năm xuất hiện một lần, tình hình bệnh sởi năm 2013-2014 hiện nay nằm trong chu kỳ dịch, với số ca mắc thấp hơn nhiều so với chu kỳ trước (năm 2009-2010). Trong thời gian vừa qua nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi như Philippine, Nhật Bản, Lào, đặc biệt tại Trung Quốc bệnh sởi xuất hiện trên diện rộng và tại một số tỉnh khu vực biên giới giáp với Việt Nam gây ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh trong nước.

Người dân Hà Nội xếp hàng đăng ký tiêm vắc-xin sởi cho trẻ nhỏ. Ảnh: Quý Trung/TTXVN


* Phóng viên: Viện trưởng cho biết rõ hơn về bệnh sởi cũng như những biến chứng của bệnh?

* Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển: Bệnh sởi do vi rút sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Vi rút sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi. Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc-xin; trẻ đã tiêm vắc-xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vắc-xin trước đây. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng tiêm vắc-xin sởi. Việc không tiêm chủng vắc-xin sởi do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.

* Phóng viên: Hiện nay, tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Viện trưởng có thể có biết cụ thể về vắc-xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như hiệu quả của vắc-xin này?

* Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay, trên thế giới có hàng chục loại vắc-xin sởi dưới dạng vắc-xin đơn hoặc vắc-xin phối hợp (sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella). Vắc-xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin hiệu quả và an toàn trong dự phòng bệnh sởi. Ở nhiều nước, vắc-xin sởi được sử dụng phối hợp với vắc-xin rubella thành vắc-xin kết hợp sởi-rubella, hay vắc-xin sởi-rubella-quai bị. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc-xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc-xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam được bắt đầu chính thức từ năm 1985 với việc triển khai tiêm 6 mũi vắc-xin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi trong đó có sởi. Trong nhiều năm liên tục tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em đều đạt trên 90%. Thực tế và kinh nghiệm của Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong hơn 25 năm qua, và ở các nước trên thế giới cho thấy rõ tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Bằng tiêm chủng vắc-xin, tỷ lệ mắc sởi năm 2012 giảm 573 lần so với năm 1984.

* Phóng viên: Trước những diễn biến của tình hình bệnh sởi, Bộ Y tế đã và đang triển khai kế hoạch tiêm vét vắc-xin sởi. Ông có biết cụ thể về kế hoạch này và đối tượng được tiêm trong đợt này?

* Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển: Trước những diễn biến tình hình dịch sởi, để khẩn trương khống chế dịch sởi, song song với việc tăng cường tiêm chủng thường xuyên, Bộ Y tế đã và đang triển khai kế hoạch tiêm vét vắc-xin sởi trong các tháng 2, 3 và 4/2014. Đối tượng tiêm vét là tiêm mũi 1 cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc-xin sởi. Đến nay đã có khoảng 300.000 trẻ được tiêm vắc-xin sởi, đạt 46,9%. Để bảo đảm không bỏ sót trẻ, phải rà soát danh sách tất cả các đối tượng cần được tiêm vắc-xin sởi trên địa bàn kể cả đối tượng vãng lai, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có biến động dân cư.

Đối với tiêm vắc-xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt. Cụ thể là trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Trong tiêm chủng chiến dịch: thực hiện tiêm vắc-xin cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc-xin sởi là 1 tháng.

* Phóng viên: Hiện nhiều bà mẹ băn khoăn về tác dụng của vắc-xin sởi cũng như miễn dịch sau khi tiêm. Ông có thể cho biết về vấn đề này và theo ông có nên tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 9 tháng tuổi không?

* Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển: Sau khi tiêm, vắc-xin sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm vi rút sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon. Cũng như các vắc-xin khác, tiêm vắc-xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc-xin, loại vắc-xin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc-xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.

Chỉ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết. Tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay vắc-xin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là 1 mũi vắc-xin. Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt. Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc-xin sởi bới vì kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.

* Phóng viên: Xin ông cho biết về những trường hợp không nên tiêm vắc-xin sởi?

* Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển: Không nên tiêm vắc-xin sởi đới với những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vắc-xin sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của vắc-xin (gelatin, neomycin).

Không nên tiêm vắc-xin sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỉ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra trong số phụ nữ được tiêm phòng trong thời kỳ mang thai. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vắc-xin sống khác, cần tránh có thai ít nhất 1 tháng sau tiêm vắc-xin.

Không tiêm vắc-xin sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm. Có thể tiêm vắc-xin sởi cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.

* Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Viện trưởng.


Thu Phương
Quyết liệt triển khai nhiều biện pháp khống chế bệnh sởi
Quyết liệt triển khai nhiều biện pháp khống chế bệnh sởi

Tính đến ngày 18/4, cả nước đã ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi, trên 8.779 người bị sốt phát ban nghi mắc bệnh sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tập trung chủ yếu ở trẻ em chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN