An toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng
Khẳng định vai trò đặc biệt của gia đình đối với mỗi cá nhân và xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, sự ổn định của gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Minh Thi, gia đình Việt Nam hiện gồm có 3 nhóm chính: Xu hướng bảo lưu các giá trị truyền thống; sự biến đổi và hình thành một số giá trị gia đình; tồn tại khác biệt giới rõ nét trong giá trị gia đình. Để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, những nội hàm cụ thể các giá trị gia đình cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay gồm 4 tiêu chí "an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng".
"Xây dựng gia đình an toàn cực kỳ quan trọng trong bối cảnh có những nguy cơ cũ và mới cùng nảy sinh trong xã hội. Gia đình có môi trường sống an toàn để cá nhân được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành; là nơi mang đến an toàn về cảm xúc, giúp cân bằng tâm lý - tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống bằng tình yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và gắn kết. Gia đình đồng thời phải an toàn về khả năng phòng vệ, có khả năng chống chịu rủi ro và thách thức từ dịch bệnh, thiên tai, thảm họa bất ngờ…", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi giải thích.
Tương tự, trách nhiệm của gia đình được thể hiện ở mỗi thành viên trong tự tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lối sống lành mạnh, rèn luyện kỹ năng, kiến thức, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, tự chủ cuộc sống. Mỗi thành viên cũng cần có trách nhiệm với nhau trong chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc ông bà, cha mẹ; yêu thương bạn đời để cùng xây dựng gia đình đạo đức, đầm ấm. Gia đình cần đảm bảo trách nhiệm với xã hội bằng việc kết hôn và sinh con để hình thành khuôn mẫu gia đình điển hình, đảm bảo sự phát triển bền vững xã hội.
Đồng thời, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, việc xây dựng gia đình thịnh vượng là điều kiện quan trọng để có gia đình hạnh phúc, an toàn. Các thành viên trong độ tuổi lao động cùng làm việc tạo thu nhập và quyết định chi tiêu, cải thiện điều kiện sống, góp phần thúc đẩy động lực làm giàu, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo động lực phát triển xã hội. Ngoài ra, bình đẳng giới là một chỉ báo quan trọng của hiện đại hóa và tiến bộ trong gia đình, theo hướng hai vợ chồng cùng tham gia đóng góp kinh tế, chi tiêu, quyết định các việc trong gia đình.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho rằng, công tác dân số đã đạt nhiều thành tựu quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước; tác động, gắn kết chặt chẽ với phát triển giá trị gia đình hiện nay.
Cùng với việc triển khai thực hiện Luật, chương trình, chiến lược của Đảng và Nhà nước về dân số và phát triển, Tiến sỹ Đinh Huy Dương cho rằng, hội phụ nữ các cấp tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân số và công tác gia đình. "Cần xác định công tác dân số và gia đình là những nội dung quan trọng, thường xuyên trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức khó khăn về công tác dân số và gia đình; xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống các tệ nạn xã hội, bạo lực; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em", Tiến sỹ Đinh Huy Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về các vấn đề dân số và phát triển; vị trí, vai trò của phụ nữ, gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phù hợp theo từng vùng miền; chú trọng truyền thông về ứng phó với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động, tư vấn chị em khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản...
"Các cấp hội cần quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế gia đình, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên quan để góp phần củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế cho các gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…", Tiến sỹ Đinh Huy Dương đề xuất.
Giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm
Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế ở Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng Hoàng Thị Thu Hương nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của vun đắp giá trị gia đình Việt Nam thông qua thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.
Do đó, bà Hoàng Thị Thu Hương đề nghị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030 nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân, sự hưởng ứng tích cực, vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội về thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. "Cần ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền mạnh mẽ các thông điệp về phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, cung cấp kiến thức, giáo dục về giới, bình đẳng giới... trong các cấp hội và người dân", bà Hoàng Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho rằng cần nhân rộng và duy trì các mô hình như "Gia đình hạnh phúc", "Nam giới tiên phong trong phòng, ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái"; thành lập, kết nối mạng lưới nam giới, phát huy vai trò vào cuộc của nam phòng, chống bạo lực tại cộng đồng...; phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình; phát huy vai trò của tổ dân phố, tổ hòa giải, địa chỉ tin cậy... trong quá trình xử lý mâu thuẫn gia đình; hỗ trợ kinh tế, đời sống vật chất cho gia đình nạn nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ qua điện thoại, mạng xã hội cho nạn nhân bị bạo lực…
Chia sẻ những vấn đề "nóng" liên quan đến các gia đình công nhân trong khu công nghiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương Trương Thanh Nga cho biết, do hoàn cảnh phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập hàng tháng nên người lao động gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc nuôi dạy con, quan tâm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Áp lực về chi tiêu học hành con cái, chi phí cuộc sống hàng ngày và các chi phí khác dẫn đến những mâu thuẫn, xích mích vợ chồng, đe dọa hôn nhân và hạnh phúc, tình trạng ly hôn của các gia đình trẻ tăng lên…
Để góp phần ổn định đời sống người lao động, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương đề xuất Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách cụ thể, căn cơ để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương có nhiều người lao động nhập cư như Bình Dương xây dựng được nhiều nhà ở xã hội với giá bán ưu đãi, giúp công nhân "an cư lạc nghiệp". Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức tốt cuộc sống gia đình, xây dựng và nhân rộng mô hình giáo dục về gia đình, trong đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Gia đình với sức khỏe; kinh tế và các vấn đề về xã hội.
Đồng thời, các cấp Hội tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025"; hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nữ, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, tập trung hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do thiên tai và dịch bệnh. Ngoài ra, các cấp hội tiếp tục thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng, xây dựng chế tài quản lý, mở rộng các nguồn vốn vay cho đối tượng phụ nữ di cư để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với đặc thù là địa phương có nhiều phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ Võ Kim Thoa cho biết, hầu hết những phụ nữ này chưa được trang bị về ngôn ngữ và kiến thức về văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống và pháp luật nước ngoài; dễ dẫn đến tình trạng bị lừa gạt, hôn nhân không hạnh phúc, bị hắt hủi, đánh đập…
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ để Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ nói riêng, các cấp hội trên địa bàn cả nước nói chung, tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn với công dân các nước, cung cấp thông tin luật pháp, phong tục, tập quán, ngôn ngữ các nước và kỹ năng sống để các chị em có thể hòa nhập tốt với cuộc sống gia đình ở nước ngoài. Trong định hướng nhiệm kỳ 2022-2027, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo các cấp hội tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam trong các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Cùng với việc xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, bà Võ Kim Thoa cho rằng, Việt Nam và các nước cần có những biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn nữa về hoạt động môi giới hôn nhân trái phép nhằm tránh tình trạng thương mại hóa hôn nhân.