Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định luôn quan tâm tới mọi mặt đời sống của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là nhân dân các vùng có đông đồng bào có đạo. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào có đạo từng bước được cải thiện rõ nét. Việc sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi. Đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết, đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương Nam Định giàu mạnh.
Sinh hoạt văn hóa tại xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.Ảnh: Thùy Dung - TTXVN |
Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, trong đó công tác phát triển đảng viên là những người có đạo tại nhiều đảng bộ trên địa bàn tỉnh Nam Định. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tôn giáo ngày càng được nâng cao, góp phần ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết dân tộc. Hiện nay toàn tỉnh có 171/229 đảng bộ xã, phường, thị trấn có đảng viên là người có đạo (chiếm 74,6%); có 1.578 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở vùng giáo các thôn, xóm, tổ dân phố vùng đồng bào Công giáo tập trung đã có chi bộ Đảng. Đến nay tỷ lệ đảng viên là người Công giáo toàn tỉnh chiếm khoảng 4,3% tổng số đảng viên. Hệ thống chính quyền cơ sở vùng đồng bào các tôn giáo thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn, nhất là qua các kỳ đại hội Đảng, bầu cử HĐND các cấp. Số người có đạo tham gia làm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở xã, phường, thị trấn, cán bộ đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng các thôn, xóm ngày càng tăng.
Xuất phát từ quan điểm của Đảng: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”, các đảng viên trong các vùng đồng bào có đạo đã là các tấm gương gương mẫu đi đầu trong việc tham mưu cho các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản pháp luật về công tác tôn giáo thành các văn bản hướng dẫn thực hiện; đồng thời tích cực tuyên truyền phổ biến những quy định pháp luật của Đảng và Nhà nước. Qua đó đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về an ninh trật tự trên địa bàn các tôn giáo, bà con lương giáo phấn khởi đoàn kết cùng nhau xây dựng nông thôn mới.
Các đảng viên ở vùng đồng bào có đạo đã tham mưu cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để tăng cường thu hút đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến năm 2014, toàn tỉnh đã kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của 2.941 ban Công tác Mặt trận vùng đồng bào tôn giáo, trong đó có 1.280 ban Công tác Mặt trận vùng Công giáo. Tỷ lệ thu hút hội viên, đoàn viên là người Công giáo tham gia tổ chức đoàn, hội ngày một tăng.
Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tất cả các đảng viên trong vùng đồng bào có đạo đã tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở như: Tổ tuần tra nhân dân, Tổ hòa giải, Hội đồng hương ước xóm,... giải quyết những vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở. Vận động các chức việc phối hợp với chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên, lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng tích cực tuyên truyền vận động tín đồ nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng sự đoàn kết, gắn bó, tình làng, nghĩa xóm, giữa các tôn giáo. Trong những năm qua, nhiều vị chức sắc, chức việc đã tích cực tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và việc thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các hoạt động của các đảng viên, quá trình vận động quần chúng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào các tôn giáo đã được đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp vận động phù hợp với tình hình, đặc điểm ở từng vùng; tổ chức nhiều đợt phát động phong trào tập trung, với những mô hình cụ thể, nhằm tập hợp đông đảo đồng bào các tôn giáo tham gia.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương và nhu cầu bức thiết của quần chúng có đạo, tỉnh đã phát động và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào, mô hình cụ thể, thiết thực, lồng ghép với việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Xây dựng khu dân cư 5 không", phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ, họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”. Tiêu biểu là các mô hình như: “Xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; "Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội" ;“Tâm sáng, hướng thiện”…
Thông qua thực hiện các mô hình phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở như xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng); phường Cửa Nam (thành phố Nam Định), xã Hải Xuân, Hải Phương (Hải Hậu), xã Xuân Phương (Xuân Trường), xã Trực Mỹ (Trực Ninh); chùa Cả, chùa Phong Lộc (thành phố Nam Định); chùa Linh Ứng (Hải Hậu); chùa Thư Điền (Nghĩa Hưng); chùa Kiên Lao (Xuân Trường), chùa Hậu Bồi (Mỹ Lộc); giáo xứ Phong Lâm (Giao Thủy); Chi hội thánh Tin lành Hoành Nhị (Giao Thủy); Linh mục Trần Đức Hoàn, xứ Thanh Thủy (Giao Thủy), Đại đức Thích Nguyên Thanh, chùa Trà Trung (Hải Hậu), Ni sư Thích Đàm Viên, chùa Phong Lộc; ông Đoàn Văn Dương, giáo dân giáo họ Đại Đồng, xã Đồng Sơn (Nam Trực), ông Trần Duyên Khuyến, nhân viên bảo vệ của Trung tâm Phật giáo Trúc lâm Thiên Trường, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định…
Thời gian tới Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ban, ngành đoàn thể các cấp tiếp tục chỉ đạo phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào có đạo của tỉnh tiếp tục đi vào nề nếp, khẳng định vai trò không thể thiếu của các đảng viên ở vùng đồng bào có đạo trong công tác bảo vệ bảo vệ an ninh Tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định.