Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi

Chiều 14/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Đến nay, ngành y tế vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân gây nên hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân của người dân tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi). Hội chứng này bắt đầu xuất hiện từ tháng 4/2011 tại xã Ba Điền, đến nay đã hơn 1 năm.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, suốt thời gian từ năm ngoái đến nay, Quảng Ngãi đã ghi nhận 205 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Hội chứng này đến nay đã lan thêm ra 4 xã khác là Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vinh và Ba Tô (cũng thuộc huyện Ba Tơ). Trong đó, số người mắc trong năm nay là 115, đáng chú ý có 34 trường hợp bị tái phát.

 

Không truyền nhiễm


Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, kết quả qua các đợt điều tra, khảo sát cho thấy, bệnh tập trung ở xã Ba Điền (95,1%), đặc biệt là ở làng Rêu (106 người). Có 7 hộ mà tất cả các thành viên trong gia đình đều mắc bệnh. Tất cả bệnh nhân đều là người H’re. Không thấy các yếu tố chứng tỏ đây là bệnh truyền nhiễm (do virút, vi khuẩn) do không có hội chứng nhiễm trùng. Xét nghiệm xác định các mẫu máu bị bệnh tại trường Đại học Nagasaki (Nhật Bản) bằng kỹ thuật Pyro - sequencing so sánh với ngân hàng gen trên 240 loài virút, vi khuẩn cho thấy không có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.


 

Đoàn công tác đã đến khám cho bệnh nhân Phạm Văn É, tổ 4, thôn Làng Riêu, xã Ba Điền, bị bệnh viêm da dày sừng bàn tay bàn chân. Ảnh: Thanh Long - TTXVN

 

Các mẫu xét nghiệm đất, nước, lương thực thực phẩm cũng chưa tìm thấy bằng chứng về các mối nguy cơ do vi khuẩn, virút. Chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí hay nguồn nước. Trong các mẫu đất, nước, lương thực, kể cả các mẫu máu, tóc, móng tay, vảy da đã xét nghiệm, các kim loại nặng bao gồm cả arsen, chì, thủy ngân, cadimi, đồng và một số kim loại khác ở mức giới hạn cho phép. Không phát hiện thấy hóa chất bảo vệ thực vật tại các mẫu đất, nước, gạo đã xét nghiệm.


“Có thấy nhiều loại nấm mốc và phát hiện thấy Aflatoxin trong các mẫu lúa ủ, gạo ủ đã xét nghiệm (Aflatoxin được y văn nói tới là tác nhân gây ra tổn thương gan, ung thư gan). Từ kết quả này, hội đồng khoa học nghĩ nhiều đến giả thuyết nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém. Tuy nhiên đây có phải là nguyên nhân gây bệnh không thì vẫn chưa xác định được”, Thứ trưởng Long cho biết.


“Việt Nam đã gửi nhiều mẫu máu, tóc, móng tay, vẩy da... ra nước ngoài xét nghiệm và hiện tại các labo nghiên cứu này đang tiếp tục hợp tác với nhiều nơi trên thế giới để nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có kết luận chính thức về bệnh này. Y văn thế giới cũng chưa có ghi nhận loại bệnh nào giống hoàn toàn với hội chứng này. Có loại bệnh có biểu hiện giống tổn thương ở da nhưng lại không có biểu hiện ở gan hoặc ngược lại”, Thứ trưởng Long cho biết.


Trả lời nghi vấn về hiệu quả của phác đồ điều trị vì ngay sau khi Bộ ban hành phác đồ điều trị mới 1 tuần thì có thêm 2 trường hợp tử vong, ông Long cho rằng không nên đánh giá phác đồ không hiệu quả. 2 trường hợp tử vong mới nhất là do lỗi khách quan, trường hợp đầu tiên người bệnh không chịu đi viện, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế khi đi khảo sát phải vận động tích cực mãi bệnh nhân mới đến viện. Tuy nhiên lúc đó bệnh nhân đã bị suy đa phủ tạng quá nặng, bác sĩ không thể cứu chữa. Còn trường hợp thứ 2 là trên đối tượng đang có tiền sử bị ung thư gan.

 

Miễn phí điều trị


Theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ KH - TC, Bộ Y tế, tất cả bệnh nhân nhập viện điều trị căn bệnh này đều được miễn phí. Chủ trương của Bộ Y tế là không đợi tìm ra nguyên nhân mới điều trị mà sẽ đẩy mạnh các biện pháp giảm tử vong và giảm mắc, đồng thời vẫn tích cực tìm nguyên nhân và kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện trung ương cử nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn về Trung tâm Y tế Ba Tơ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để tập huấn và hỗ trợ chuyên môn tại chỗ. Hiện tại luôn có mặt 4 - 5 bác sĩ của Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Da liễu Trung ương để hỗ trợ phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Ba Tơ và xã Ba Điền.


Toàn bộ 6 hộ gia đình trong xã Ba Điền và môi trường xung quanh cũng đã được phun, khử trùng. Ngành y tế và chính quyền địa phương đã phối hợp tiến hành tẩm hóa chất vào màn, phát toàn bộ màn mới, chiếu cho người dân tại xã. Cấp phát cơ số thuốc nâng cao thể trạng cho tất cả người dân tại xã, tẩy giun sán cho toàn bộ người dân trên địa bàn. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành cấp phát gạo cho đồng bào, vận động, kêu gọi các tổ chức hỗ trợ vitamin, khoáng chất và tăng cường dinh dưỡng và vi chất cho đồng bào.


Bộ Y tế dự báo, với các can thiệp tích cực đã và sẽ triển khai, số ca tử vong trong thời gian tới sẽ giảm. Tuy nhiên việc giảm mắc sẽ chậm hơn do hiện tại có thể các tác nhân gây bệnh đã nhiễm trong phần lớn cộng đồng người dân tại đây và có thể phát bệnh trong thời gian tới, nhưng khi các tác nhân gây bệnh được can thiệp, loại trừ thì các trường hợp mắc sẽ giảm.


Châu Anh

Vận động trẻ đi học tại vùng "bệnh lạ"
Vận động trẻ đi học tại vùng "bệnh lạ"

Trường Trung học cơ sở và Tiểu học Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) nằm ngay trung tâm xã, nơi có số người mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay bàn chân nhiều nhất huyện Ba Tơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN