Vẫn còn tồn tại xe máy cũ nát, không bảo đảm an toàn lưu hành

Quy định hiện hành chưa buộc phương tiện cơ giới là xe máy phải kiểm định an toàn kỹ thuật dẫn tới tình trạng xe máy đã cũ nát, không bảo đảm an toàn vẫn lưu hành.

Chú thích ảnh
Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN phát

Trên đây là nhận định được chuyên gia đưa ra tại hội thảo "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm" do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan tổ chức.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, xe máy là phương tiện di chuyển chính, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi xe máy không chỉ là phương tiện cá nhân mà còn là công cụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi và phổ biến của xe máy là những thách thức không nhỏ, nhất là trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, dù có nhiều kế hoạch quản lý, hạn chế chặt chẽ hơn, xe máy hiện vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85 - 90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60 - 70% số vụ tai nạn giao thông. 

Phân tích về khoảng trống dẫn tới nguy cơ mất an toàn giao thông, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, dù có hệ thống đăng ký xe mô tô xe máy tuy nhiên số lượng xe máy thực tế lưu hành thấp hơn so với số lượng thực tế đăng ký, chưa phản ánh số lượng xe máy thực sự lưu hành. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, con số này chỉ dưới 75% tổng số xe đăng ký do phần còn lại hoặc đưa về các tỉnh thành phố dùng thêm một vài năm nữa trước khi được tháo rời, bán phụ tùng linh kiện…

Bên cạnh đó, việc thống kê phân tích tai nạn giao thông xe máy trên lượng luân chuyển gặp khó khăn và chưa có kết quả, do không có số liệu về công tơ mét của mô tô, xe máy. Loại này chưa phải đăng kiểm và cũng chưa có hệ thống ghi nhận thông tin về đồng hồ công tơ mét xe máy. Thực trạng này xuất phát từ bất cập trong quy định pháp luật  khi chưa yêu cầu kiểm định kỹ thuật và khí thái với xe máy, trong khi đây là một nội dung cần phải làm với phương tiện cơ giới đường bộ.

Theo Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, dù đã có tiêu chuẩn mô tô xe máy nhưng các mức an toàn cho xe máy ở Việt Nam được xem là còn khá thấp khi chưa có AHO, chưa có ABS hoặc phanh phối hợp Combined Brake....

Hiện nay, xe máy dù là phương tiện cơ giới nhưng chưa phải chịu kiểm định an toàn kỹ thuật, sắp tới mới có kiểm định về môi trường, điều này dẫn tới tình trạng một số xe máy đã cũ nát, không bảo đảm an toàn vẫn lưu hành. Bất cập trong thực thi dẫn tới việc nhiều xe máy điện, xe điện lưu hành không đúng với thông số kỹ thuật đăng ký như công suất lớn hơn, tốc độ lớn hơn...

Chú thích ảnh
TS. Fangfang Luo, chuyên gia về các vấn đề pháp chế, an toàn và giao thông tại trụ sở WHO chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: TTXVN phát

TS. Fangfang Luo, chuyên gia về các vấn đề pháp chế, an toàn và giao thông tại trụ sở WHO nhận định có 3 thách thức chính trong việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ cho xe máy, bao gồm: hệ thống dữ liệu ở các quốc gia chưa toàn diện, chưa có khung pháp lý đầy đủ và hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đáp ứng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong việc đảm bảo an toàn cho người đi xe máy ở nhiều quốc gia; đồng thời thảo luận về những khó khăn và thách thức đang tồn tại.

Ông Daniel Hardy Wuaku, Cố vấn kỹ thuật an toàn đường bộ, Cơ quan An toàn đường bộ quốc gia Ghana chia sẻ, ở Ghana, Chính phủ muốn cấm hoạt động thương mại về xe máy nhưng đây là phương tiện quá phổ biến nên điều này khó khả thi.

Để đảm bảo an toàn giao thông cho xe máy, đại diện Cơ quan An toàn đường bộ quốc gia Ghana khuyến nghị, trước hết cần cải thiện hạ tầng giao thông, xây dựng làn đường riêng cho phương tiện này, rà soát bổ sung biển báo và vạch kẻ đường. Mặt khác cũng cần chú trọng việc bảo dưỡng và kiểm tra xe định kỳ, lắp đặt các thiết bị an toàn, có quy định về cấp chứng nhận đủ điều kiện lưu thông nhằm giúp phương tiện an toàn hơn.

“Cùng đó, để giảm thiểu thương vong cho người tham gia giao thông cũng cần xây dựng hệ thống y tế khẩn cấp có thể phản ứng nhanh trong tiếp cận nạn nhân để sơ cứu kịp thời các chấn thương, bao gồm cả chấn thương phức tạp”, vị đai diện này nói.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, phương tiện xe máy chiếm số lượng lớn, khoảng hơn 70 triệu xe; hàng năm trung bình tăng từ 10 - 15%. Đây cũng là phương tiện chiếm chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn trong 10 tháng từ đầu năm 2024.
Diệp Anh (TTXVN)
Thủ đô khó thu hồi xe máy cũ nát
Thủ đô khó thu hồi xe máy cũ nát

Dù đưa ra chính sách đổi xe máy cũ lấy xe mới, hỗ trợ đến 4 triệu đồng, nhưng để đổi được xe mới, người dân Hà Nội phải có đủ ít nhất hai điều kiện: Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Chủ trương thu hồi là cần thiết, song nhiều ý kiến cho rằng cần có các quy định phù hợp hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN