Vẫn khó xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm ở Hưng Yên

Tại tỉnh Hưng Yên hiện có hàng chục nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chủ yếu là các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp tập trung. Việc các doanh nghiệp xả thải tự do đang gây bức xúc trong dư luận nhưng việc xử lý vẫn chưa triệt để.


Tại khu công nghiệp Phố Nối A có 20 doanh nghiệp chưa đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có lượng nước thải lớn như Công ty liên doanh Kyung Việt, Công ty Tae Yang Việt Nam, Công ty Sampung Inox... Các doanh nghiệp này hàng ngày xả trộm nước thải ra môi trường làm cho hệ thống sông trục chảy qua các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm như sông Bún, sông Đình Dù, kênh tiêu Trầm Âu, kênh Trần Thành Ngọ... bị ô nhiễm nặng suốt nhiều năm qua. Do nguồn nước thải không qua xử lý và rác thải đổ bừa bãi của các nhà máy, xí nghiệp, những dòng sông này đang bị lâm vào cảnh "tiêu không được, tưới không xong". Về mùa mưa dòng chảy luôn bị ách tắc dẫn đến ngập úng. Vào mùa vụ sản xuất, bà con nông dân không dám lấy nước tưới cho đồng ruộng, bởi nước chảy đến đâu thì lúa và thủy sản chết đến đó.


Cũng trên địa bàn các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, các doanh nghiệp chuyên về giặt mài như Phương Đông, Hoàng Hợp, Long Hoa cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn nước thải độc hại của Hoàng Hợp vượt tiêu chuẩn cho phép gấp 5 lần, có màu trắng đục và xả trực tiếp ra môi trường không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào. Còn Công ty Long Hoa bị phát hiện có 4 lỗi vi phạm, đó là xả nước thải vào nguồn nước có một số chỉ tiêu vượt chuẩn cho phép từ 2 đến 5 lần; hàm lượng COD (nhu cầu ôxy hóa học) là 200 mg/80 mg; hàm lượng Cliphom (tổng số vi khuẩn) là 5120/5000ml. Mặt khác, công ty không lập hồ sơ đăng ký phát sinh chất thải nguy hại; xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép qui định.


Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp không đăng ký dây chuyền hoạt động như Công ty Gia Hưng chuyên sản xuất quần, ủng nhựa ở xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào đã bị Cục Cảnh sát Môi trường Bộ Công an, Thanh tra liên ngành Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên phát hiện có dây chuyền tái chế phế liệu thành hạt nhựa PE không đăng ký, nên không kiểm soát được nguồn nước thải và khí thải.


Hằng năm, các ngành chức năng ở Hưng Yên đều tổ chức thanh tra, kiểm tra việc xả chất thải của các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy: Sau khi bị phát hiện vi phạm, các doanh nghiệp đều "tự giác" nhận sai phạm và sẵn sàng nộp phạt. Nhưng sau đó, không doanh nghiệp nào chịu xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của thanh tra mà tiếp tục tái phạm. Điển hình là Công ty TNHH Hoàng Hợp, Công ty thép Hà Anh, Tập đoàn Quang Minh, Công ty quản lý khai thác công nghiệp Phố Nối A… dù bị phạt đi phạt lại nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.


Năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện Nhà máy chiết xuất dầu thuộc Tập đoàn Quang Minh xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm nặng, Công ty đã bị phạt hơn 200 triệu đồng. Nhưng chỉ sau vài tháng người dân lại chịu cảnh nước thải bốc mùi khó chịu. Nghiêm trọng nhất là từ đầu năm 2012 đến nay, cả cánh đồng thôn Bằng Ngang (thị trấn Lương Bằng) chìm trong những dòng nước đen đặc, bốc mùi của Nhà máy Quang Minh và các doanh nghiêp khác cứ tự do chảy xuống đồng ruộng. Người dân bức xúc đã lấp các cống xả nước thải của các nhà máy lại làm cho nước tràn ngập cả đường đi dài tới hàng cây số.


Trước đó, Công ty Giặt mài Hoàng Hợp trong 2 năm liền đã bị ngành chức năng xử phạt 2 lần hơn 100 triệu đồng. Nhưng sau mỗi lần xử phạt doanh nghiệp lại tái diễn việc xả nước thải tự do ra môi trường ở mức trầm trọng hơn.


Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện hàng chục cuộc thanh tra đối với hơn 100 lượt doanh nghiệp, tổng số tiền phạt lên tới hàng tỉ đồng. Nhưng theo cán bộ chức năng, mức xử phạt đối với các vi phạm về môi trường đối với các doanh nghiệp chưa đủ sức răn đe. Mặc dù Chính phủ đã sửa đổi, nâng mức xử phạt tối đa từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng, song mức phạt này vẫn quá nhỏ so với chi phí lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý chất thải. Để lắp đặt được hệ thống này mỗi doanh nghiệp phải chi phí mức đầu tư hàng tỷ đồng, nên các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng nộp phạt để rồi tiếp tục vi phạm.


Theo cán bộ chuyên môn về môi trường, việc kiểm soát chất thải ô nhiễm của các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp tập trung rất khó. Do lực lượng chức năng ở tỉnh mỏng nên việc thanh kiểm tra định kỳ không xuể. Để kiểm tra đột xuất chỉ có cảnh sát môi trường đảm nhận, còn chính quyền sở tại và phòng chức năng ở huyện lại không được phép kiểm tra, dù biết rõ doanh nghiệp có vi phạm, xả nước thải ra môi trường.


Tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 800 dự án đã đi vào hoạt động, trong đó số doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp tập trung chiếm 70%. Để kiểm soát tình trạng các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tỉnh đã có nhiều biện pháp cương quyết để hạn chế và không cấp mới đất cho các dự án nằm ngoài khu công nghiệp tập trung. Giải pháp này sẽ giúp các ngành chức năng kiểm soát tốt hơn vấn đề môi trường. Tuy vậy, giải pháp đối với các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề nan giải.


Mai Ngoan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN