Về thăm làng gỗ

Ấm Hạ là xã miền núi của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Nơi đây, cuộc sống của người dân còn nghèo khó. Đẩy mạnh phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, những năm qua, nền kinh tế của Ấm Hạ có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Trong sự phát triển chung ấy của xã, có những người nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đưa sản phẩm nông nghiệp vươn ra thị trường trong nước và thế giới. Đó là những sản phẩm sơ chế gỗ. Về Ấm Hạ những ngày này, khắp các đường làng, ngõ xóm như những công trường làm việc hối hả, ván gỗ được phơi ở khắp đường đi lối lại.

Dựa vào lợi thế, tranh thủ thời cơ

Nằm ở phía đông bắc của huyện, nơi đồi núi trập trùng có nhiều điều kiện về thổ nhưỡng cho việc nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp. Được đầu tư của nhà nước, trong những năm qua, người nông dân ở Ấm Hạ đã chú trọng phát triển diện tích trồng cây lâm nghiệp, cây lấy gỗ. Toàn xã có tổng diện tích 17.000ha trong đó có 1.511ha rừng tự nhiên còn lại là rừng sản xuất.

Gỗ được mang đi phơi.


Từ thế mạnh của địa phương, tranh thủ thời cơ thị trường trong nước và thế giới đang có nhu cầu rất lớn về gỗ, đặc biệt là các sản phẩm sơ chế từ gỗ. Người nông dân ở các khu dân cư Ấm Hạ đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ ngay tại địa phương. Với phương châm phát triển dần mô hình chế biến nhỏ đến mở rộng quy mô các xưởng gỗ ở Ấm Hạ trong những năm qua đã đi vào hoạt động.

Gỗ sơ chế được phơi khắp nơi ở các khu dân cư xã Ấm Hạ.


Ông Vũ Quốc Phi - Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ cho biết: “Nhờ năng động và bắt kịp với nhu cầu của thị trường, đa số người dân xã Ấm Hạ đã mở mô hình chế biến gỗ ngay tại địa phương và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Được cơ ngơi như ngày nay, Ấm Hạ cũng đã gặp nhiều thất bại. Có những chủ xưởng vay vốn tới vài trăm triệu đồng để mua máy xẻ, máy bóc nhưng khi lập được xưởng xong lại không có vốn để mua nguyên liệu để chế biến; hay khi đã vay được vốn rồi lại không có thị trường cung cấp nguyên liệu ban đầu. Một số chủ xưởng gỗ ở Ấm Hạ, Ấm Thượng gặp thuận lợi trong quá trình lập xưởng, nhưng khi lập xong, không bám được thị trường tiêu thụ, không thuê được nhân lực, không có kỹ thuật... Do vậy, trong thời gian đầu nhiều chủ xưởng phải bán máy, bán cả xưởng và chuyển sang hướng kinh doanh khác. Bình tĩnh trước những thất bại ban đầu, một số người nông dân đã rút kinh nghiệm, lấy phương châm phát triển từ nhỏ đến lớn, không ồ ạt để dần liên hệ được những nơi cung cấp gỗ nguyên liệu tại địa phương, từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái; tìm được những thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ. Kiên trì bám xưởng như vậy, nhiều chủ xưởng gỗ ở Ấm Hạ đã thành công. Trong đó có nhiều chủ xưởng là những người nông dân trẻ tuổi. Hiện nay cả huyện có tới trên 40 xưởng gỗ tư nhân.

Xưởng sơ chế ván ép xuất khẩu ở Ấm Hạ.


Từ lâu, người dân Ấm Hạ biết đến anh Đoàn Trọng Quyết là một thợ sửa chữa xe máy giỏi nhất xã và trong huyện, đồng thời cửa hàng của anh cũng vào loại qui mô trong xã và có thu nhập tương đối lớn. Kiên trì với con đường làm ăn của người thanh niên tuổi 30 trong vòng nhiều năm. Song đứng trước nhu cầu thực tế của xã hội và ảnh hưởng lớn của cơ chế thị trường, đến tháng 2/2009, anh Quyết đã quyết định "chuyển dịch" cách làm ăn từ nghề sửa chữa xe máy sang mở xưởng gỗ ngay tại quê hương. Vốn, kinh nghiệm kinh doanh, mặt bằng, thị trường... là những khó khăn mà anh Quyết gặp phải trong những ngày đầu mở xưởng. Không ngại khó, không ngại khổ trước những cản trở, anh Quyết đã quyết tâm bằng những gì mình có, cộng với việc khiêm tốn học hỏi những người đi trước, lân la tìm hiểu thị trường với phương châm bỏ công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài, xưởng của anh Quyết đã được lập lên trên một mảnh đất thuê của người dân với diện tích 1.200 m2. Hướng vào lĩnh vực sơ chế gỗ duy nhất là bóc gỗ ván và mang bán tại thị trường ở Hà Nội, Bãi Bằng, Hải Dương. Hàng ngày với việc nhập nguyên liệu thô sơ ban đầu, xưởng của anh Quyết đã bóc 10 m3 gỗ mỗi ngày và mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi tháng. Giờ đây, xưởng gỗ bóc của anh đã thâm nhập sâu vào thị trường tiêu thụ và có được uy tín về chất lượng sản phẩm sơ chế. Cùng với thu nhập, xưởng gỗ của anh Quyết còn giải quyết việc làm cho 16 đến 20 nhân công và cho thu nhập của họ từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi tháng.

Lời giải cho bài toán “Ly nông không ly hương”

Với đặc thù là cơ sở sản xuất cần nhiều nhân công, các xưởng chế biến gỗ đã thu hút và tạo việc làm cho 300 đến 500 lao động là nông dân ở các khu dân cư trong xã.

Bằng sự cần cù và tích cực lao động, mỗi tháng, người nông dân ở Ấm Hạ đã có được thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng từ chế biến gỗ. Có thể nói ở địa bàn có đặc thù là thuần nông với 90% số lao động làm nông nghiệp, nhưng trên 30 hộ mở xưởng chế biến gỗ đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2011 đạt 2.976 triệu đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ,

Một xưởng chế biến gỗ ở Ấm Hạ.

Anh Nguyễn Đức Dũng là chủ một xưởng gỗ ở Ấm Hạ khẳng định: “Mở xưởng chế biến gỗ tại chỗ, chúng tôi đã giải quyết việc làm cho hàng trăm nông dân của xã. Hầu hết họ đều có thu nhập khá ổn định”.

Đa số nông dân ở các khu dân cư Ấm Hạ hiện nay đều có thêm một công việc mới, mặc dù vất vả nhưng họ có việc làm và thu nhập ổn định. Từ những nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm nghèo khó, họ đã trở thành những công nhân thực thụ ngay tại địa phương mình. Họ làm những công việc như bóc gỗ, xẻ gỗ, phơi ván tại các xưởng chế biến gỗ của xã.

Xưởng chế biến gỗ xẻ ở Ấm Hạ.


Một nông dân ở khu 4 xã Ấm Hạ vui mừng cho biết: “Nhờ có các mô hình kinh tế tại địa phương mà nông dân chúng tôi không phải đi làm ăn nơi xa, có điều kiện được làm việc tại chỗ và chăm sóc con cái”.

Ông Lê Thiết Hùng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hạ Hòa cũng khẳng định: “Ấm Hạ là một địa phương có sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong huyện, người nông dân có thu nhập vào loại cao nhất trong huyện và tỷ lệ nông dân thất nghiệp cũng giảm đáng kể”.

Sau nhiều năm thử nghiệm những mô hình mới trên vùng quê nông nghiệp từ lâu đời, bài toán “ly nông” ở Ấm Hạ đã cho một lời giải với nhiều tín hiệu đáng mừng. Người nông dân đã và đang mưu sinh bằng một hướng mới sáng láng hơn. Khi xưa họ chân lấm tay bùn mà vẫn quanh năm nghèo khó, nay, người nông dân đang dần thoát ly nghề nông nhưng vẫn bám trụ quê hương. Họ vươn lên làm giàu cho bản thân, cho gia đình và quê hương mình ngay trên mảnh đất họ đã sinh ra.

Bà Đặng Thị Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định: “Hội Nông dân xã đã tích cực vận động và khuyến khích các hộ nông dân tạo lập cho mình mô hình kinh tế ngay tại địa phương và bước đầu đã cho hiệu quả cao”.

Về Ấm Hạ trong thời gian này, cả xã như một công trường lao động tập thể tấp nập, người nông dân hăng say chăm chỉ làm việc. Điều đáng nói ở đây là, trong những năm gần đây, số người dân đi làm thuê nơi xa, xuất khẩu lao động ngày càng ít và như một điều tất yếu, số người dân ở lại bám trụ và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Có được tín hiệu vui ấy đối với người nông dân chính là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã không ngừng tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các mô hình để giải quyết việc làm tại chỗ cho người nông dân.

Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN