Về thành Tuyên vui hội Trung thu

Tết Trung thu ở nơi đâu trên đất nước Việt Nam cũng đều có. Ở Tuyên Quang, như đã thành truyền thống, người lớn năm nào cũng chuẩn bị công phu và chu đáo cho Tết của trẻ em sẽ được tổ chức rộn rã ngay trên đường phố lớn. Về Tuyên Quang những ngày này, ai ai cũng như được lạc vào miền cổ tích.


Lễ hội đường phố


Ngay từ đầu tháng tám âm lịch, các tổ dân phố và khu dân cư tấp nập chuẩn bị cho ngày hội Tết Trung thu. 13 phường và các cơ quan hành chính trên địa bàn đều bắt tay vào cuộc để chuẩn bị. Theo thông lệ hằng năm, cứ đến Tết Trung thu, các phường, tổ dân phố và các đơn vị dày công chuẩn bị mỗi đơn vị một công trình để dự thi cũng như để tham gia lễ hội Trung thu đường phố. Hầu hết các phường đều dàn dựng và thiết kế để làm hình mẫu các con vật trong bộ 12 con giáp và các công trình di tích lịch sử. Khâu chuẩn bị khá công phu và tốn nhiều thời gian. Mọi người bàn bạc rất kỹ từ khâu thu thập vật liệu là tre, gỗ, giấy và các phụ liệu khác cho đến ý tưởng độc đáo cho hình mẫu dự thi của từng năm.

Nhiều hình rồng được các tổ dân phố làm rất công phu để rước trong đêm hội.


Tùy vào từng năm con giáp, tác phẩm dự thi của các phường sẽ hướng vào chủ đề năm đó để dàn dựng. Có năm, những chú hổ được chế tác bằng giấy và bìa cát tông rất to và hoành tráng, có năm là những con rồng vàng uốn lượn trên phố biểu tượng cho sự may mắn, phồn thịnh rồi con trâu hay con ngựa rất đẹp. Ngoài ra, nhiều phường còn thiết kế những quả địa cầu mang biểu tượng của hòa bình và ý nghĩa tuyên truyền về bảo vệ môi trường cũng như kêu gọi con người cùng chung tay đoàn kết giữ gìn mái nhà chung của nhân loại.

Hình ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi luôn ấm áp và thiêng liêng trong đêm hội ở thành Tuyên.


Bên cạnh việc thiết kế các con vật, lễ hội Trung thu đường phố ở thành phố Tuyên Quang còn là dịp để giới thiệu, quảng bá và giáo dục truyền thống lịch sử. Những hình ảnh được các khu dân cư thiết kế như di tích lịch sử Tân Trào, lán Nà Lừa, Cây đa Tân Trào… đã góp phần làm cho đêm hội Trung thu thêm sắc màu truyền thống lịch sử.

Có cả những chiếc đèn hình tàu vũ trụ.


Vào đúng đêm rằm Trung thu, đường phố Tuyên Quang rực rỡ sắc màu. Từ các ngả đường đổ ra khu trung tâm, người dân nô nức cùng trẻ em hòa vào lễ hội. Đèn màu trên những hàng cây ven đường sáng rực đủ các màu làm cho không gian thêm lung linh huyền ảo. Các tổ dân phố sau hàng tháng chuẩn bị công phu nay có dịp trưng bày, thi thố các tác phẩm của mình, góp vui cho đêm hội Trung thu. Theo hàng, các tác phẩm được đặt lên bánh xe, có người đẩy lần lượt công diễn trên đường phố. Hình ảnh 12 con giáp to và sặc sỡ màu sắc được các tổ đẩy đi trên phố tạo ra một cảnh tượng vừa lạ, vừa gần gũi, vừa lung linh. Những chú rồng vàng uốn lượn, những chú hổ đang há miệng với răng nhọn, rồi cả những biểu tượng anh hùng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng…


Giáo dục truyền thống


Vui nhất và thích thú nhất là trẻ em, linh hồn của đêm hội. Có lẽ đêm Trung thu, không một em bé nào ở nhà mà theo cha mẹ, ông bà đi bộ trên đường phố để dự ngày hội trăng rằm mỗi năm chỉ có một lần. Các em như được lạc vào miền cổ tích trong không khí ấy. Màu sắc lung linh, không gian huyền ảo, ánh sáng rực rỡ cùng với âm thanh vui nhộn đã tạo cho con trẻ những cảm nhận ấm áp và vui tươi của đêm hội. Thêm vào đó, những thứ quà truyền thống như mâm ngũ quả, những chiếc bánh dẻo, bánh nướng cùng những khẩu hiệu, thông điệp được ghi trên những tác phẩm làm cho trẻ em thêm yêu, thêm tự hào về quê hương đất nước mình.


Đêm hội Trung thu là một “đặc sản” của Tuyên Quang cho mỗi ai không quản ngại đường xa về để được hòa mình trong “miền cổ tích” của đêm hội trăng rằm.


Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN