Vỉa hè Hà Nội: Thông thoáng rõ rệt, nhưng vẫn phấp phỏng lo thiếu bền vững

Sau 1 tháng ra quân, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn Thủ đô, nhất là tại 12 quận nội thành, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Xe bán cây cảnh rong vẫn hoạt động trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám.

Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt; việc sắp xếp phương tiện đã gọn gàng, đúng quy định.


Những chuyển biến tích cực


Phố Phan Văn Trường, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều năm trước, vỉa hè có cũng như không. Chợ Xanh nằm ngay đầu phố hoạt động tấp nập từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Ăn theo chợ, rất nhiều hộ thuê cửa hàng, bám mặt phố kinh doanh chiếm dụng lòng đường cho khách để xe, lấn hết vỉa hè bày hàng, thậm chí, một số hộ còn tận dụng cả biển số nhà, biển báo giao thông để treo đồ. Con phố này gần như mất đi chức năng lưu thông trong giờ cao điểm vì thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Người dân ở đây còn bức xúc hơn khi một bãi trông giữ xe trái phép ngày càng mở rộng và hoạt động công khai.


Thực hiện đợt cao điểm lập lại trật tự đô thị, trật tự giao thông, phường Dịch Vọng Hậu đã tập trung  gần 200 người xử lý dứt điểm hai tồn tại trên. Với điểm trông giữ xe trái phép, phường đã lập biên bản, xử lý hành chính, trường hợp cố tình vi phạm sẽ tạm giữ phương tiện. Với các hộ kinh doanh lấn chiếm không gian chung, lực lượng của phường đã yêu cầu ký cam kết đồng thời giải tỏa tất cả mái che, mái vẩy, kệ hàng…


Phường Dịch Vọng Hậu phải bố trí lực lượng chốt trực tới 4 ca trong ngày tại điểm nóng vi phạm này (từ 6h30 - 11h, 11h – 14h, 14h – 19h và 19h- 22h) để giám sát cũng như dần dần tạo thói quen chấp hành các quy định của cơ sở kinh doanh và người mua hàng.


Nhưng nhờ đó, phố Phan Văn Trường những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 đã thông thoáng và phong quang hơn, người dân đã có thể đi bộ, đi xe thoải mái hơn trong những giờ cao điểm. Tuy nhiên, một số hộ kinh doanh mấy ngày đầu còn nghe ngóng, tìm đủ cách đối phó, thấy bóng lực lượng chức năng là đẩy hàng vào trong, sau đó lại đẩy ra hè phố đã phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định.


Tại đường trên phố Hoàng Hoa Thám, đoạn chợ Bưởi (Ba Đình), phần vỉa hè, thậm chí lòng đường cũng đã từng bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh hoa cây cảnh và để phương tiện, nhất là trong những ngày cuối tuần, lượng người đổ về rất đông. Tuy nhiên, từ nhiều ngày nay, đoạn phố này đã thông thoáng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lấn theo kiểu “du kích” lại xuất hiện. Các hộ không để tràn như trước mà chỉ xếp một hoặc hai hàng. Khi có lực lượng chức năng nhắc nhở thì để thụt vào. Anh Phạm Trần Hiếu, chủ cửa hàng buôn bán cây cảnh cho biết: “Lý do họ để cây xanh ra ngoài đường để cây quang hợp, chứ để trong nhà mãi sẽ úa”.


Những điểm nóng như trên với những vi phạm đã tồn tại nhiều năm tại các quận nội thành khác cũng đã cơ bản được xử lý. Tuy vỉa hè được trả lại cho người đi bộ, lòng đường đã được “giải phóng” thông thoáng. Theo thống kê, sau 1 tháng ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, đã có 122.325 lượt hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm lòng đường, hè phố; 100% các quận huyện, thị xã ra quân phá dỡ 2.657 bục bệ, cầu dẫn, cầu dắt xe; tháo dỡ 5.090 mái che, mái vẩy. Lực lượng Cảnh sát trật tự đã kiểm tra, xử lý 2.140 trường hợp vi phạm hành chính, phạt thành tiền khoảng 800 triệu đồng. Lực lượng CSGT đã xử lý 11.706 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ 349 phương tiện, 3.975 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe đối với 698 trường hợp; bên cạnh đó, có 3.116 trường hợp bị lực lượng thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền gần 6 tỷ đồng.


Nguy cơ tái lấn chiếm


Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các phường, nguy cơ tái lấn chiếm tại một số nơi vẫn còn cao, không có mặt lực lượng chức năng, hộ kinh doanh hoặc hàng rong lại bày hàng tràn vỉa hè, nhất là với những hộ kinh doanh khó khăn, nhiều năm “bám” vỉa hè kiếm sống.


Ông Tống Xuân Duy, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết Dịch Vọng Hậu cho biết: “Khu vực phố Phan Xuân Trường có hơn 250 hộ kinh doanh, điểm trông xe trái pháp bị giải tỏa nhưng chưa bố trí được điểm trông giữ phương tiện mới nên vẫn còn tình trạng người dân phải đi xe vào phố, dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường để mua hàng, vẫn có thể gây ùn tắc giao thông. Không thể căng mãi sức người để chốt 4 ca nên về lâu dài, các đơn vị có chức năng xem xét bố trí điểm trông giữ phương tiện trong khu vực để đảm bảo nhu cầu của người dân".


Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội, dù tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa bền vững, còn nhiều điểm phức tạp. Một số đơn vị còn thực hiện chưa đúng với chủ trương của thành phố, một số việc thực hiện cứng nhắc, thiếu trách nhiệm, gây dư luận, phản ứng trong xã hội. Điển hình như trong việc phá dỡ bậc tam cấp, một số đơn vị đã cứng nhắc, phá dỡ không căn cứ vào lịch sử tồn tại công trình, phá dỡ không thông báo trước cho nhân dân để họ có sự chuẩn bị hoặc tự tháo dỡ... gây khó khăn cho trong sinh hoạt của một số hộ dân. Các xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất và Đức Thượng, huyện Hoài Đức, đã cứng nhắc trong việc giải quyết hành lang hè phố, chặt bỏ hết cây xanh bên đường.


Bên cạnh đó, các quận còn có sự cứng nhắc trong kẻ vạch vôi trên hè phố, giải quyết vi phạm trật tự đô thị tại các tuyến phố lớn; chưa tập trung làm các tuyến phố nhỏ, ngõ, ngách dẫn đến phức tạp về trật tự đô thị tại khu vực này. Vẫn còn tình trạng một số công trình quây hàng rào bảo vệ lấn chiếm gần hết diện tích hè phố.


Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cũng cho rằng, một số quận, huyện mới chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền, đẩy đuổi, phá dỡ mà chưa nghiên cứu bố trí sắp xếp cho nhân dân, đặc biệt là nơi để phương tiện, chợ...


Tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán, trông giữ mặc dù giảm rõ rệt. Song vào giờ cao điểm buổi sáng từ 6h30 đến 8h, buổi trưa từ 11h30 đến 13h và chiều tối từ 17h đến 20h, các hàng ăn, uống chiếm dụng hè phố vẫn nhiều. Nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị chưa chấp hành vẫn tự ý để xe trên hè, lòng đường, trong đó có một số cơ quan, đơn vị còn để tràn lan.


Nguyên nhân các tồn tại trên là do nhu cầu để phương tiện rất lớn nhưng cơ sở hạ tầng thành phố còn chưa đáp ứng. Trong quá trình xử lý còn nhiều ý kiến nhân dân phản ánh đề xuất thành phố Hà Nội, quận huyện quan tâm nghiên cứu nơi để xe. Các quận mới tập trung ra quân tuyên truyền và xử lý nhưng chưa nghiên cứu nơi để bố trí sắp xếp phương tiện cho nhân dân và khách.


Các quận, huyện, thị xã rà soát những địa điểm phù hợp để bố sắp xếp phương tiện, sắp xếp các chợ để đảm bảo đời sống cho nhân dân. Để vỉa hè được phong quang lâu dài. Thiếu tướng Đoàn Duy Khương đề xuất UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các ban, ngành liên quan nghiên cứu tổ chức khu vực riêng cho bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dùng hè phố để kinh doanh…


Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Đà Nẵng: Chuyển biến tốt về trật tự vỉa hè
Đà Nẵng: Chuyển biến tốt về trật tự vỉa hè

Sau gần một tháng lập lại trật tự vỉa hè, các trục đường chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thật sự "đường thông hè thoáng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN