Theo ông Vũ Văn Viện, việc hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy và ô tô, đã được TP Hà Nội đề cập từ trước đây. UBND TP Hà Nội đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” trình HĐND TP Hà Nội xem xét và ban hành Nghị quyết về Đề án vào kỳ họp thứ 4 năm 2017.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 212, với 37 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030”.
Ông Vũ Văn Viện khẳng định, việc xây dựng Đề án hạn chế xe máy đảm bảo nguyên tắc: Tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân; tổ chức giao thông hợp lý, đáp ứng việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế; đảm bảo kết nối giữa các loại hình phương tiện giao thông; mở rộng không gian và các tuyến phố đi bộ nhằm tạo thói quen đi bộ và kết hợp với việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Về lộ trình, trong năm 2019 - 2020, Hà Nội và Viện Chiến lược và phát triển giao thông (Bộ GTVT) nghiên cứu xây dựng Đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, sẽ tổ chức công khai lộ trình thực hiện và triển khai các bước theo lộ trình.
“Với việc hạn chế xe máy, để dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố sẽ có những giải pháp cụ thể, thực hiện từng bước, có lộ trình, chứ không phải "đùng một cái" đến năm 2030 cấm xe máy ra vào trung tâm thành phố. Hơn nữa, đây là chủ trương chung của Chính phủ, đã có chỉ đạo cụ thể, không phải Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tự triển khai”, ông Vũ Văn Viện thông tin.
“Chủ trương này không dễ thực hiện, liên quan đến nhiều người dân, phải có lộ trình, có nghiên cứu, thực hiện từng bước và chỉ thực hiện khi hạ tầng giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân”, ông Viện cho biết thêm.
Về câu hỏi tại sao Hà Nội không phát triển vận tải công cộng với dịch vụ tốt để người dân thấy tiện lợi và sẽ tự bỏ xe cá nhân sử dụng phương tiện vận tải công cộng? ông Vũ Văn Viện cho biết, nếu cứ phát triển phương tiện cá nhân như tốc độ hiện nay thì không thể đầu tư giao thông công cộng phát triển kịp. Đơn cử, tuyến buýt BRT trên trục Lê Văn Lương hiện nay đã bị "bủa vây" bởi ô tô, xe máy không thể phát huy hết được hiệu quả...