Những thành tựu đạt được cũng trở thành tiền đề, thành động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Những chính sách đột phá
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 sau 10 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Báo cáo Phát triển con người năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,704, tăng 1 bậc so với năm trước và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, ghi dấu lần đầu tiên Việt Nam lọt vào nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức cao. Cùng với đó, bất bình đẳng về thu nhập (19,1%) và hệ số Gini (35,7) là thước đo bất bình đẳng của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019. Đây là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được.
Kết quả bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, nữ giới chiếm đến 47,3% lực lượng lao động chính của cả nước. Có khoảng trên 285,6 nghìn doanh nghiệp do nữ doanh nhân đứng đầu, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tỷ lệ nữ giới biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 97,33%, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tỷ lệ tiến sỹ đạt 30,8%.
Đặc biệt trong 10 năm qua, nội dung bình đẳng giới đã được bổ sung hoặc lồng ghép vào nhiều văn bản pháp luật quan trọng của Việt Nam như Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật Lao động 2019...
Bên cạnh đó, đã có nhiều chính sách mang tính đột phá như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, theo đó lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con hay tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ theo lộ trình như quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi 2019. Thành tựu này thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới và sự tiến bộ trong công tác lập pháp.
Nền tảng vững chắc trong giai đoạn tới
Trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã thể hiện tính ưu việt của chế độ và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt, trách nhiệm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong bối cảnh đại dịch đang tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trong nước và trên toàn cầu.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời, công khai, đúng đối tượng… đã góp phần khắc phục những khó khăn trong cuộc sống nhân dân, giúp củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, việc huy động, tạo động lực khuyến khích người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng sáng tạo nhiều cách làm nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được phân tích và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể, đi kèm với những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đến quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nhấn mạnh về những thành tựu của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược, chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.
“Những thành tựu này sẽ là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định.
Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới
Với vai trò là cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng Chiến lược 2021-2030, bà Elisa Fernandez Saezn, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cũng cho biết: Quá trình rà soát việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 10 năm vừa qua cho thấy, việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới, đặc biệt từ nguồn chi đầu tư từ ngân sách nhà nước để đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu của Chiến lược là việc rất cần thiết. Để làm được điều này, cần phải đảm bảo các mục tiêu của Chiến lược được lồng ghép một cách nghiên túc trong các kế hoạch của ngành và địa phương, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia.
“Việt Nam cũng cần đầu tư có mục tiêu vào thay đổi chuẩn mực xã hội theo hướng thúc đẩy cho bình đẳng giới, đây là điều cốt lõi để thúc đẩy bình đẳng giới mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trải qua. Đây cũng chính là mục tiêu đầu tiên của Chiến lược 2021-2030”, bà Elisa Fernandez Saezn nhấn mạnh.
Để tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ ban hành, đặt mục tiêu, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý Nhà nước chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030...
Chiến lược đặt mục tiêu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản...