Ngày 28/10, Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 26 và Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 (ALMM+3) lần thứ 11 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Indonesia.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 26 lần này được tổ chức với chủ đề: “Thúc đẩy tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động ASEAN trong tương lai việc làm”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Việt Nam cho biết: Thế giới đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó phải kể đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Tỷ lệ này ở ASEAN sẽ còn cao hơn.
Theo nghiên cứu của tổ chức ILO, ở 5 nước ASEAN, dự báo 56% việc làm có thể bị ảnh hưởng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới. Bên cạnh đó, thế giới việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, xã hội đang già hóa, dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch COVID-19.
“Tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Sau 10 năm thực hiện, một số kết quả đạt như: Hệ thống luật pháp, chính sách trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm và khoa học, công nghệ được hoàn thiện tương đối đồng bộ. Tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng hoặc chứng chỉ tăng từ 15,58% năm 2011 lên 24 % năm 2019 và ước tính đạt mục tiêu 25% vào năm 2020. Tốc độ tăng năng suất lao động khá cao, bình quân đạt 4,87%/năm trong giai đoạn 2011-2019. Một số chỉ số nhân lực của Việt Nam cũng đạt thứ hạng cao trong khu vực như chỉ số vốn nhân lực, chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số phát triển con người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021-2030 đang được Việt Nam xây dựng với việc tập trung vào phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu tổng quát của chiến lược giai đoạn này là “Phát triển nhân lực Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế, đưa nhân lực Việt Nam thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ghi nhận các Tuyên bố được thông qua bao gồm: Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay; Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về tương lai việc làm: Áp dụng công nghệ hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững; Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh hướng tới công bằng và tăng trưởng bao trùm; Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư…
Các Bộ trưởng cũng đã thông qua kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 trong kênh lao động bao gồm: Kế hoạch công tác của nhóm công tác về an toàn vệ sinh lao động, kế hoạch hành động của đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư… Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hội nghị ALMM lần thứ 27 sẽ được tổ chức tại Philippin vào năm 2022.