9 năm liên tiếp giảm số phát hiện mới Nhân viên y tế quản lý, kiểm tra sức khỏe, giám sát điều trị ARV cho người nhiễm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Năm 2017, cả nước phát hiện mới khoảng 9.800 người nhiễm và khoảng 1.800 người nhiễm HIV tử vong, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 1,1%, số bệnh nhân AIDS giảm 39% và người nhiễm HIV tử vong giảm 15%. Như vậy, Việt Nam đã 9 năm liên tiếp giảm số phát hiện mới, số trường hợp nhiễm HIV chuyển sang AIDS và giảm số tử vong do AIDS.
Trong năm 2017, công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được chú trọng, tăng cường, góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS. Toàn quốc đã có 294 cơ sở điều trị methadone với 52,8 nghìn bệnh nhân, đạt 65,2% chỉ tiêu được giao; cấp phát thuốc tại 216 điểm tại tuyến xã của 23 tỉnh, cho 22% tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone.
Ngành Y tế đang triển khai kế hoạch điều trị bằng thuốc Buprenophine, dự kiến năm 2018 sẽ thực hiện tại các tỉnh miền núi Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An. Bên cạnh đó, công tác điều trị ARV được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành phố với 401 phòng khám điều trị ngoại trú ARV, triển khai cơ sở cấp phát thuốc điều trị ARV tại 562 trạm y tế, trong trại giam.
Bên cạnh đó, ngành triển khai chuyển giao và kiện toàn các cơ sở điều trị ARV trên toàn quốc thực hiện kê đơn điều trị ARV bằng bảo hiểm y tế từ tháng 1/2018.
Cả nước đã có 271 phòng khám điều trị ngoại trú tiến hành thanh toán các phí dịch vụ, thuốc liên quan đến điều trị ARV cho bệnh nhân (chiếm 37,7%); tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế tăng đáng kể, từ 50% vào tháng 10/2016 lên 82% vào tháng 9/2017.
Toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, có 136 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố, 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở tất cả các huyện trên toàn quốc.
Năm 2017 đã có 26 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định tuyến huyện và 1 phòng tư nhân được cấp mới, đưa tổng số lên 34 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính tuyến huyện trên cả nước.
Hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng tiếp tục được mở rộng ra 15 tỉnh, thành phố và triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng. Đến nay, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm là trên 982 nghìn người, điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con cho khoảng 1,4 nghìn phụ nữ mang thai nhiễm HIV và điều trị 1.261 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV.
Ngành thực hiện điều trị dự phòng lao bằng INH cho khoảng 10 nghìn bệnh nhân nhiễm HIV; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế đảm bảo tất cả bệnh nhân điều trị ARV phát hiện mắc lao được chuyển gửi điều trị lao; phát 28 triệu bơm kim tiêm cho khoảng 126 nghìn người nghiện chích ma túy, 21 triệu bao cao su cho hơn 58 nghìn người nghiện chích ma túy, 28,3 nghìn phụ nữ bán dâm, 27 nghìn nam quan hệ tình dục đồng giới và 13,3 nghìn vợ, bạn tình của người nhiễm HIV; truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được đa dạng hóa...
Huy động sự tham gia của toàn xã hội Nhân viên y tế giám sát điều trị nghiện cho bệnh nhân HIV/AIDS tại trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Khánh Hòa. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Năm 2018, ngành Y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%, hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020; đồng thời huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ngành đẩy mạnh can thiệp giảm hại, truyền thông và dự phòng: Phân phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí, đặc biệt ưu tiên các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, và mở rộng chương trình tiếp thị xã hội, mở rộng các cơ sở điều trị methadone, các điểm cấp phát thuốc tại xã, phường; thí điểm và mở rộng phần mềm quản lý điều trị methadone; thí điểm điều trị nghiện các chất ma túy tổng hợp; đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi cho nhóm nguy cơ cao và giảm kỳ thị.
Ngành mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá hiệu quả tự xét nghiệm HIV, mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tuyến huyện cho các khu vực xa trung tâm tỉnh và có nguy cơ lây nhiễm cao; đồng thời tăng cường hoạt động giám sát dịch HIV/AIDS, mở rộng ứng dụng phần mềm quản lý người nhiễm HIV đến tuyến huyện, phần mềm quản lý điều trị ARV cho tất cả các phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC).
Bên cạnh đó, mở rộng các cơ sở điều trị, cấp phát ARV, thực hiện điều trị ARV sớm, xét nghiệm đo tải lượng HIV, nâng cao chất lượng điều trị, hạn chế tình trạng bỏ trị; thí điểm cấp phát thuốc 3 tháng cho bệnh nhân ổn định; cung cấp dịch vụ điều trị qua bảo hiểm y tế ngay từ năm 2018, khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị đảm bảo được bảo hiểm y tế thanh toán...