Clip chia sẻ của chị Trần Thị Mỹ Hải, TP Hà Nội về dự án đạt giải Nhất:
Theo đó, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 5 giải Nhì, 7 giải Ba và 24 giải Khuyến khích cho những dự án khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh.
Năm nay, giải Đặc biệt được trao cho dự án "Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh" của chị Nguyễn Thị Mến, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Mom Beauty (tỉnh Nghệ An).
Ba giải Nhất lần lượt thuộc về dự án chăn nuôi gà thảo dược vi sinh thả dưới tán hồi của chị Lý Thị Nga (tỉnh Lạng Sơn); dự án “Hoàn thiện công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất xơ libe bằng phương pháp bông hóa phù hợp để kéo sợi trên dây chuyền kéo sợi xơ ngắn, phục vụ ngành thời trang xanh cao cấp từ lá dứa” của chị Trần Thị Mỹ Hải, Công ty cổ phần nghiên cứu, đầu tư và phát triển xơ sợi tự nhiên Việt Nam, thành phố Hà Nội và dự án “Xử lý phân heo không thông qua hầm Biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ” của chị Nguyễn Thị Linh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh học CNC - Thương mại, dịch vụ Đồng Tâm, tỉnh Bình Phước.
Phát biểu tại lễ trao giải, bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Phụ nữ Việt Nam cho biết, cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức hàng năm đã dần trở thành một diễn đàn lớn, một sân chơi bổ ích thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo hội viên, phụ nữ; đặc biệt cuộc thi đã hỗ trợ, kết nối, giúp nhiều dự án khởi nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô và có đà tăng trưởng tốt.
“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy thành phần tham gia cuộc thi năm nay tiếp tục được mở rộng… triển khai cuộc thi đến các nhóm phụ nữ như: Nữ trí thức, nữ vận động viên đã giải nghệ, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ chấp hành xong án phạt tù. Chúng tôi cũng rất xúc động trước những dự án khởi nghiệp của phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ đã lớn tuổi.
Mỗi dự án đều ẩn chứa một câu chuyện, một triết lý nhân sinh giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa với cộng đồng. Các tác giả dự án khởi nghiệp lần này đều đã ấp ủ, nuôi dưỡng ý tưởng, quyết tâm đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh để mang đến các dịch vụ về chuyển đổi xanh, sản phẩm mô hình kinh doanh xanh và các sáng kiến thúc đẩy tiêu dùng xanh. Đây là những ý tưởng khởi nghiệp vừa có tính thực tiễn cao, vừa phát huy được giá trị của sản phẩm nâng tầm Thương hiệu Việt”, bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Cũng tại chương trình, ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đánh giá cao sáng kiến của Hội LHPN Việt Nam trong việc tổ chức cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” hàng năm thu hút số lượng người dự thi cao hơn năm trước và biểu dương tác giả đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, đổi mới và tâm huyết của chị em trong việc chuyển hóa những điều thiên nhiên ban tặng thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, vừa tăng giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường cho sản phẩm.
“Tôi thật sự xúc động và khâm phục khi được biết Vòng thi phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Bắc năm nay diễn ra trong bối cảnh một số tỉnh, thành miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão Yagi, hoàn lưu bão và lũ lụt, sạt lở đất. Những giọt nước mắt của nhiều thí sinh đã rơi khi nghe tin nhà cửa, vườn tược của gia đình bị ngập nước, người thân bị mất mát, nhưng vượt lên trên tất cả là nghị lực và sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam, các chị đã vững vàng và hoàn thành xuất sắc phần thi của mình.
Tôi cũng rất vui mừng khi thấy sự tham gia tích cực của những phụ nữ xuất phát từ hoàn cảnh rất khó khăn, như phụ nữ miền núi, dân tộc thiểu số với tỷ lệ tham gia dự thi là 13,7%, phụ nữ khuyết tật với tỷ lệ 7%. Và cũng rất khâm phục khi biết phụ nữ khởi nghiệp không giới hạn ở bất cứ độ tuổi nào, có các em nhỏ mới vào đời ở tuổi 17, cũng có những người phụ nữ kiên cường ở độ tuổi 82 vẫn không coi mình là độ tuổi nghỉ ngơi. Các chị em đã chứng minh tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, không ngại khó khăn, rào cản để phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ trong cuộc sống”, Nguyễn Đức Hải chia sẻ.
Năm 2024, cuộc thi được tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” nhằm khích lệ sự tham gia chủ động, tích cực của phụ nữ vào phong trào khởi nghiệp hướng tới chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ.
Trong 40 dự án khởi nghiệp vào chung kết toàn quốc, có 25 dự án dự án của doanh nghiệp, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ (62,5%) và 15 dự án (chiếm 37,5%) thuộc các mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã và tổ hợp tác) do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ. Trong đó, có 10 Dự án khởi nghiệp (chiếm 25%) thuộc đối tượng phụ nữ yếu thế và đặc thù.
Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của động đảo các tầng lớp phụ nữ trên cả nước tham gia dự thi, gia tăng mạnh cả về quy mô và chất lượng, với 2.545 dự án dự thi (tăng 26% so với 2023). Đặc biệt, các lĩnh vực tham gia dự thi đa dạng: Nông, lâm, ngư nghiệp; lĩnh vực công nghiệp, chế tạo sản phẩm; lĩnh vực giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội...
Trong khuôn khổ chương trình tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các dự án khởi nghiệp, tạo cơ hội để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với đông đảo đại biểu tham dự chuỗi sự kiện. Mặt khác, đây là nơi giao lưu, hợp tác, kết nối thị trường, thúc đẩy phát triển các dự án khởi nghiệp của phụ nữ trên cả nước; hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Đảng và Nhà nước.
Giải Đặc Biệt:
Chị Nguyễn Thị Mến, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Mom Beauty, tỉnh Nghệ An với dự án Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh.
3 Giải nhất:
Chị Lý Thị Nga, hộ kinh doanh, tỉnh Lạng Sơn với Dự án chăn nuôi gà thảo dược vi sinh thả dưới tán hồi.
Chị Trần Thị Mỹ Hải, Công ty cổ phần nghiên cứu, đầu tư và phát triển xơ sợi tự nhiên Việt Nam, thành phố Hà Nội với dự án Hoàn thiện công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất xơ libe bằng phương pháp bông hóa phù hợp để kéo sợi trên dây chuyền kéo sợi xơ ngắn, phục vụ ngành thời trang xanh cao cấp từ lá dứa.
Chị Nguyễn Thị Linh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh học CNC - Thương mại, dịch vụ Đồng Tâm, đến từ tỉnh Bình Phước với dự án Xử lý phân heo không thông qua hầm Biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ.
5 giải Nhì:
Chị Nông Thị Hanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Ta Lư Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị với dự án Phát triển giá trị cà phê hữu cơ Hướng Hóa.
Chị Võ Thị Hạnh Dung, hộ kinh doanh 43Foods, thành phố Đà Nẵng với dự án Nâng tầm giá trị cho cá trích Việt Nam - Giải pháp mô hình kinh doanh bền vững.
Chị Dương Thị Thơm, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, tỉnh Thái Nguyên với dự án Sản xuất trà ủ lạnh BTC từ vùng nguyên liệu chè Tân Cương, Thái Nguyên.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương Mại Linh Trang, tỉnh Hà Tĩnh với dự án Trầm hương Tâm Thiên Hương - Hơn cả một trải nghiệm.
Chị Phạm Thị Nhung, Hợp tác xã Thái Nguyên ToTa, tỉnh Thái Nguyên với dự án Ứng dụng giải pháp công nghệ phục vụ cho tận thu phế phụ phẩm nông, lâm nghiệp theo hướng năng lượng xanh.