Các kiến nghị, đề xuất của đại biểu tại hội nghị đều được ông Phạm Văn Thiều, lãnh đạo các sở, ngành chức năng ghi nhận, trả lời và có hướng giải quyết cụ thể cho từng vấn đề, lĩnh vực.
Tại buổi đối thoại, gần 120 đại biểu đại diện cho cán bộ, hội viên, phụ nữ đã cởi mở, thẳng thắn bày tỏ những trăn trở, nguyện vọng cũng như đề xuất kiến nghị cụ thể về bình đẳng giới; đào tạo nghề; cơ chế chính sách cho cán bộ cơ sở, cán bộ không chuyên trách; bất cập trong mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác; nâng cao kỹ năng tuyên truyền, tham gia công tác chuyển đổi số ở các cấp Hội…
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, những vấn đề các đại biểu nêu ra tại Hội nghị đối thoại cũng là việc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, do thời gian Chương trình đối thoại có hạn, còn nhiều đại biểu chưa được bày tỏ được tâm tư, nguyện vọng. Do đó, ông đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tiếp tục tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, phụ nữ để đề xuất với lãnh đạo tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan sẽ nghiên cứu, giải đáp.
Ông Phạm Văn Thiều yêu cầu, sau buổi đối thoại, lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất trong buổi đối thoại để giải quyết kịp thời, hiệu quả kiến nghị chính đáng của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ phụ nữ vùng nông thôn, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với chính sách của Trung ương và của tỉnh để tham gia phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, buổi gặp gỡ với phụ nữ, tạo điều kiện cho họ tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội; hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, thúc đẩy bình đẳng giới.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) Đặng Thị Kim Khoa thông tin, thời gian qua, các cấp Hội đã nỗ lực xây dựng mô hình Hợp tác xã, tổ hợp tác nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Do đó, Hội kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, địa phương hỗ trợ Hợp tác xã, tổ hợp tác có cơ hội xúc tiến, quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra ổn định, lợi nhuận cao hơn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phong (thị xã Giá Rai) Dương Ngọc Tú cũng nêu rõ, hiện nay mức hỗ trợ đối với các Chi hội trưởng khóm, ấp rất thấp (900.000 đồng/tháng), cuộc sống của tổ trưởng, tổ phó các Tổ phụ nữ hết sức khó khăn. Do đó, các chị em mong muốn lãnh đạo tỉnh, địa phương hỗ trợ nâng mức trợ cấp, hỗ trợ bảo hiểm y tế… nhằm động viên họ gắn bó với công tác Hội, phong trào phụ nữ.
Bên cạnh đó, các đại biểu nêu những bất cập trong đào tạo nghề ở nông thôn hiện nay không phù hợp với thị trường lao động. Các sản phẩm mà phụ nữ làm được sau lớp tập huấn, đào tạo lại không có đầu ra. Việc phí bảo hiểm y tế nâng lên theo lương cơ sở khiến mục tiêu bao phủ xã hội càng trở nên khó khăn, nhiều người dân hiện không được hưởng lương Nhà nước gần như khó có thể tham gia...