Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, năm 2020 là một dấu mốc quan trọng thực hiện các mục tiêu chung về đa dạng sinh học theo Kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020.Việt Nam đã nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu về bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và các nguồn gen phong phú, đặc hữu, quý, hiếm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đến nay, diện tích rừng ở Việt Nam đạt trên 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ là 41,89 %.
Đến nay, cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 56 khu bảo vệ cảnh quan. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực đã được công nhận các danh hiệu quốc tế như 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 9 khu Ramsar (đất ngập nước), 10 khu vườn di sản ASEAN.
Theo Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học lần thứ 6, hiện có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm khoảng 7.500 chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, khoảng loài 10.900 động vật trên cạn, khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Hàng năm, các loài mới tiếp tục được ghi nhận và công bố. Từ năm 2014 đến tháng 9/2018 có 344 loài sinh vật mới được mô tả và công bố trong các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, cứu hộ, bảo tồn tại chỗ các loài hoang dã đã đóng góp quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, góp phần giảm nguy cơ tuyệt chủng của các loài nguy cấp.
Đây là kết quả của những nỗ lực và sự cống hiến của những người dân, các nhà nghiên cứu khoa học, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan. Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp ý nghĩa này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã từ 2010 - 2020”. Chương trình cũng nhằm khích lệ tinh thần đóng góp, nghiên cứu đa dạng sinh học cũng như đánh thức niềm tự hào về đa dạng sinh học Việt Nam trong cộng đồng, tiến tới đưa bảo tồn đa dạng sinh học thành nhiệm vụ toàn xã hội.
Chương trình hướng đến mọi cá nhân, tổ chức đang hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Thời gian nhận hồ sơ tham dự đến hết ngày 31/12/2020. Trong đó, 5 cá nhân và 10 tổ chức có thành tích xuất sắc nhất cho công tác bảo tồn loài hoang dã sẽ được lựa chọn để vinh danh. Dự kiến, Lễ vinh danh sẽ được tổ chức trong quý II năm 2021, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế về đa dạng sinh học.
Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam ghi nhận những đóng góp đáng kể trong nỗ lực bảo tồn sự đa dạng sinh học của Việt Nam. Bà cho biết, UNDP rất vinh dự được phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm đóng góp đáng kể vào việc đạt được mục tiêu chung của toàn cầu về đa dạng sinh học thông qua việc xây dựng và thực hiện luật đầu tiên về Đa dạng sinh học năm 2008, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, luật Bảo vệ môi trường cũng như triển khai các hoạt động bảo tồn tại địa phương. Việt Nam xếp thứ 16/25 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, tuy nhiên đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do các hoạt động của cuộc sống và biến đổi khí hậu. Để bảo tồn hiệu quả cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan và cộng đồng. UNDP cam kết tiếp tục đồng hành trong công tác bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp và sự đa dạng sinh học giàu có của Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, người được phong là Anh hùng về đa dạng sinh học ASEAN, chia sẻ, chương trình vinh danh là sáng kiến là dịp tốt để chúng ta thể hiện ý thức, tinh thần trách nhiệm cao của việc thực hiện các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài hoang dã, các loài nguy cấp, quý hiếm mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch cộng đồng ASEAN lại càng có ý nghĩa trong việc kết nối giới thiệu những hình ảnh đẹp, những đóng góp của các cá nhân, tập thể mang nội hàm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài hoang dã ở Việt Nam với bạn bè quốc tế, với các nước trong khối ASEAN.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh, theo nguồn tư liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới, diện tích rừng trên toàn cầu đã giảm 40% trong vòng 300 năm qua, 50% diện tích đất ngập nước bị biến mất, 66% hệ sinh thái trên đất liền bị suy giảm và khoảng 1 triệu loài thực vật, động vật đang có nguy cơ bị suy giảm, tuyệt chủng nếu con người không có hành động ngay để bảo tồn. Đã đến lúc chúng ta cần có tư duy mạnh mẽ hơn, thực tế hơn về chính sách và hành động nhằm bảo tồn loài hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, chính là bảo vệ cuộc sống bình yên hiện nay và mai sau.