Vĩnh Long đặt nhiều kì vọng vào MDEC 2013

Là tỉnh được chọn đăng cai tổ chức tổ chức Diễn đàn MDEC năm 2013, lần thứ 7, Vĩnh Long đặt nhiều kì vọng vào diễn đàn lần này, như một dịp quảng bá, giới thiệu những tiềm năng đặc biệt của tỉnh nói riêng và góp phần đề ra những giải pháp thúc đẩy quá trình liên kết vùng giữa các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long…


Nhịp cầu phát triển


Vĩnh Long có vị trí địa lý đặc biệt so với các tỉnh khác nằm ở hạ nguồn lưu vực sông Mêkông, giữa hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang, là đầu mối giao thông nối liền giữa các vùng trong khu vực. Lợi thế này đã tạo cho Vĩnh Long có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặt khác Vĩnh Long lại nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn của cả vùng Nam Bộ là thành phố lớn TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, cách sân bay quốc tế Trà Nóc khoảng 30 km. Cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng và sắp tới đây đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ được hoàn thành và đưa vào khai thác Vĩnh Long sẽ đóng vai trò một nhịp cầu lớn của con đường phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL và cả nước, tạo bước đột phá về đầu tư sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

MDEC 2013 là cơ hội quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư vào các tỉnh vùng ĐBSCL.  Phạm Minh Tuấn


Trong mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vĩnh Long, tỉnh chú trọng tăng tỷ trọng công nghiệp (CN)- dịch vụ. Theo ông Phan Anh Vũ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Vĩnh Long đã tiến hành quy hoạch các khu - tuyến - cụm CN và đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 khu CN, 1 tuyến CN và 13 cụm CN. Phát triển CN - dịch vụ được kỳ vọng là nguồn lực góp phần vào tăng trưởng của tỉnh. Vì thế, Vĩnh Long tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư, danh mục các lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư.


Đánh giá về những thế mạnh của tỉnh, trong mối tương quan với kinh tế vùng, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng: “Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt có thế mạnh trong phát triển các mặt hàng nông sản, trong đó, chủ lực là lúa gạo, trái cây, thủy, hải sản. Vĩnh Long là tỉnh trung tâm của vùng ĐBSCL, vì vậy, chúng tôi mong muốn được tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến các mặt hàng chủ lực này để góp phần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, không chỉ phát triển mạnh về nông nghiệp mà chúng tôi cũng rất tha thiết được tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển các ngành nghề kinh tế kỹ thuật cao, các dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng ĐBSCL nói chung, trong đó có tỉnh Vĩnh Long của chúng tôi.


Dù đã có nhiều nỗ lực để vươn lên về mọi mặt, nhưng nhìn chung, vùng ĐBSCL vẫn còn là một vùng “trũng” so với các vùng, miền khác trong cả nước về nhiều mặt, lực lượng lao động nông thôn vẫn còn nhiều. Do vậy chúng tôi cũng sẽ ưu tiên cho những dự án đầu tư phát triển các ngành nghề sử dụng số đông lao động, đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển ở các địa bàn vùng nông thôn. Toàn vùng ĐBSCL đang hướng tới nền kinh tế xanh nên không có lý do gì chúng tôi không ưu tiên cho các công trình, dự án đáp ứng các yêu cầu nâng cao đời sống của con người, hướng tới công bằng xã hội và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.


Mở rộng liên kết


Mục tiêu mở rộng liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa các tỉnh với các vùng, miền trong cả nước đã được đặt ra trong tất cả các kỳ tổ chức Diễn đàn MDEC trước đây, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Để đạt kết quả tốt hơn cho mục tiêu này trong thời gian tới, thông qua Diễn đàn MDEC Vĩnh Long - 2013, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đề xuất: Cùng với sự nỗ lực, chủ động của từng địa phương, Trung ương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp; quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao; xây dựng, ban hành danh mục các chương trình, dự án mang tính chất vùng để mời gọi đầu tư; phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch của vùng…


Đồng thời UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố danh mục 47 dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015 với tổng nguồn vốn dự kiến thu hút trên 23.200 tỷ đồng để tạo điều kiện thu hút đầu tư trong Diễn đàn MDEC Vĩnh Long - 2013. Các dự án của tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng công nghiệp và thương mại dịch vụ, trong đó ưu tiên cho các dự án đầu tư vào 3 khu công nghiệp tập trung là Bình Tân, Đông Bình và An Định và các dự án đầu tư xây dựng các chợ nông thôn, chợ đầu mối nông sản, trung tâm thương mại hiện đại ở các thị trấn, các khu du lịch; xây dựng các khu đô thị mới, các khu nhà ở gắn với chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân.


Tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành bổ sung thêm các chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ đầu tư khi các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào ngành nghề thuộc danh mục lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư của tỉnh. Trước mắt, trong khuôn khổ diễn đàn MDEC Vĩnh Long 2013, tỉnh Vĩnh Long dự kiến trao chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ Phước Yên, dự án xây dựng khu nhà ở Mỹ Nga, dự án xây dựng nhà máy đóng hộp rau củ quả Bình Minh; trao giấy chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc Mang Thít.


Cùng với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long đang hướng tới phát triển nền kinh tế xanh - nền kinh tế nâng cao đời sống con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái - để phát triển bền vững.

 

Phạm Thị Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN