Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Vĩnh Phúc cho thấy: Năm 2014, toàn tỉnh có 19.700 trẻ được sinh ra, trong đó có 2.101 trẻ sinh ra là con thứ 3, chiếm 10,66%. Năm 2015, toàn tỉnh có 19.209 trẻ được sinh ra, trong đó có 2.097 trẻ là con thứ ba, chiếm 10, 92%. Trong 9 tháng năm 2016, tổng số trẻ sinh ra là 12.665, trong đó có 1.454 trẻ là con thứ 3, chiếm 11,48%.
Ông Tô Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay tình trạng sinh con thứ 3 không chỉ xảy ra với những đối tượng có trình độ dân trí thấp, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà còn ở một số cán bộ, đảng viên, công chức và những gia đình có mức sống khá giả. Quan niệm “Có con trai nối dõi tông đường”, “đông con hơn đông của” vẫn tồn tại ở không ít người khiến tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng cao.
Cán bộ xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) tuyên truyền, phổ biến kiến thức dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Ảnh: baovinhphuc.com.vn |
Theo thống kê, năm 2011 tổng số đảng viên sinh con thứ 3 là 54 trường hợp; năm 2012 số đảng viên vi phạm, sinh con thứ 3 là 116 trường hợp; năm 2013 là tổng số đảng viên vi phạm là 122; năm 2014 tổng số đảng viên vi phạm là 106; năm 2015 số đảng viên vi phạm là 113. Bên cạnh đó, hiện nay số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Vĩnh Phúc chiếm tỷ lệ cao. Hằng năm, tại Vĩnh Phúc có gần 70.000 phụ nữ sẽ sinh con, đó là sức ép rất lớn tới mức sinh, vì vậy quy mô dân số của tỉnh vẫn tiếp tục gia tăng và ngày càng tăng, cho dù đã đạt mức sinh thay thế.
Trước thực trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều biện pháp, kế hoạch để giảm tỷ lệ sinh và cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em như: Tăng cường các chương trình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trước mỗi đợt chiến dịch, các địa phương đều tiến hành truyền thông lưu động. Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đã tổ chức 27 hội nghị truyền thông trực tiếp tăng cường cho đối tượng thuộc vùng có mức sinh cao.
Cộng tác viên ở các thôn, xóm cũng thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải thích cho người dân hiểu rõ về ý nghĩa của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản; tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân, nhất là ở những vùng còn có tỉ lệ sinh cao...