Từ ý tưởng của ông Nguyễn Hồng Thao, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Phú Thọ, ngân hàng đang triển khai cho vay theo dự án tiểu vùng để sản xuất hàng hóa như trồng cây sơn, nuôi bò sinh sản ở huyện Tân Sơn. Mô hình phát triển vùng chè ở xã Minh Đài cũng là một minh chứng thành công.
Một mũi tên trúng hai đích
Minh Đài là một xã miền núi, khu vực 2, thuộc huyện nghèo Tân Sơn (Phú Thọ). Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phan Văn Thân, nói: “Nhiều người cho rằng Minh Đài là “xã chè”, gọi vậy không sai. Vì trong khi cả xã chỉ có hơn 100 ha lúa, 600 ha đất lâm nghiệp, thì diện tích trồng chè lên tới gần 200 ha. Toàn xã có 1.546 hộ, thì 800 hộ trồng chè”.
Đồi chè của ông Nguyễn Thanh Bình năng suất cao nhất xã. |
Ở Minh Đài, hộ có diện tích chè lớn nhất 15 ha, gần 100 hộ có diện tích 1 - 2 ha. Diện tích chè tập trung, hàng trăm hộ cùng sản xuất kinh doanh một loại cây công nghiệp dài ngày, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay theo dự án. “Lâu nay, rất nhiều người, trong đó có cả tôi, cứ nghĩ rằng NHCSXH chỉ cho vay xóa đói giảm nghèo, không tạo ra sản phẩm hàng hóa. Thực tế, vùng chè Minh Đài chúng tôi đã chứng minh ngân hàng “bắn một mũi tên trúng hai đích”: Vừa xóa đói giảm nghèo, vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa!” - Chủ tịch Phan Văn Thân khẳng định.
Năm 2010, xã được NHCSXH cho vay gần 15 tỷ đồng, với 6 chương trình. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo chiếm số lượng giải ngân lớn nhất 5 tỷ đồng. Riêng các hộ trồng chè bình quân được vay từ 10 - 15 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn của ngân hàng đã góp phần quan trọng để Minh Đài đạt sản lượng hàng hóa gần 1.100 tấn chè búp tươi, mang về trên 3 tỷ đồng.
Xứng danh "Bộ đội cụ Hồ"
Minh Đài có nhiều nông dân trồng chè giỏi, sử dụng vốn vay hiệu quả. Một trong số đó là ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.
Ông Bình quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội), theo gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới ở vùng chè Tân Sơn từ năm 1963, ngày đó ông còn là một cậu bé chăn trâu. Gần nửa thế kỷ sống với vùng quê nghèo khó, đậm đà vị chè, nhưng mãi về sau này ông mới trồng chè. Năm 2000, gom góp được ít tiền, ông mua 2 ha đất trồng chè.
Nhưng mua được đất, trồng được chè cũng là lúc “túi rỗng”, trắng tay. Do thiếu cái “đầu tiên” là nguồn vốn nên cây chè cũng quắt lại, sống lay lắt trên đồi. Chè héo, người trồng chè cũng héo hắt theo, vì thu nhập rất thấp. Năm 2005, nhờ chính sách đầu tư cho vay vùng cây công nghiệp thuộc địa bàn khó khăn, ông được vay 10 triệu đồng đầu tư cho giống, các loại vật tư thiết yếu phục vụ cây chè. Năm 2009, trả hết nợ cũ, ông lại xin vay tiếp 30 triệu đồng, đầu tư chiều sâu cho cây chè. Những đồi chè “đói ăn”, kém dinh dưỡng được chăm sóc; nước, phân, cần, giống đủ đầy, trở nên xanh tốt.
Cây không phụ lòng người, so với hàng trăm hộ trồng chè trong xã Minh Đài, những đồi chè nhà ông Minh đứng đầu bảng. Trong khi năng suất chung toàn xã chỉ đạt 7 - 8 tấn chè búp tươi/ha/năm, thì chè nhà ông Minh đạt tới 35 - 40 tấn/ha/năm. Bình quân 1 tháng ông thu 3 - 4 tấn chè búp tươi, với giá bình quân 3.000 đồng/kg (đầu vụ 10.000 đồng/kg), sau khi trừ hết chi phí (khoảng 40%) ông còn 6 - 7 triệu đồng.
Sản xuất nông nghiệp luôn luôn phải đối mặt với những rủi ro bất thường, về thời tiết, dịch bệnh, thiên tai... Theo ông Bình, khó khăn nhất của vùng chè hiện nay là khan hiếm nguồn lao động. Trước đây, tiền thuê nhân công chỉ có 30.000 – 50.000 đồng/ngày/người. Nay do khan hiếm lao động, giá thuê nhân công tăng vọt lên 4 - 5 lần (100.000 – 150.000 đồng/người/ngày) nhưng chưa chắc đã có người làm. Để chủ động giải bài toán thiếu nhân lực, nhà ông Bình cũng như một số gia đình có diện tích lớn đã tìm mua máy hái, đốn chè của Nhật, giá 24 triệu đồng với máy mới; còn máy cũ là 15 triệu đồng. Với việc sử dụng máy móc hiện đại, thu hoạch 1 ha chè chỉ cần 5 lao động (gồm 3 người cắt, 2 người vác máy), năng suất đạt 1,5 - 1,7 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương 15 lao động hái thủ công. Chè được thu hoạch bằng máy tán đều tăm tắp. Chính vì vậy, mô hình trồng chè của nhà ông Bình đang được các cựu chiến binh cũng như người dân trong vùng học hỏi, làm theo.
Bài và ảnh: Hồ Khánh Thiện