Anh Chu văn Vương, 46 tuổi, người dân tộc Tày ở thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), được bà con trong vùng đặt cho biệt hiệu rất trìu mến là "vua ong rừng" bởi mỗi năm từ nghề nuôi ong rừng lấy mật, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng.
Lặn lội khắp rừng săn ong giống
Con đường vào thôn Bản Tẳng đã được trải bằng bê tông phẳng lỳ, nên chúng tôi cũng không phải mất quá nhiều thời gian khi tìm đến nhà anh Chu Văn Vương. Khi vừa đặt chân vào cổng, chúng tôi đã nhìn thấy những thùng ong đặt dưới những gốc cây trong vườn và dưới các hiên nhà, cùng với hàng ngàn con ong bay ra bay vào tổ liên tục, ai trong chúng tôi cũng lo ngại vì sợ ong đốt. Anh Vương thấy vậy chạy ra dẫn chúng tôi vào cười nói: "Không sao đâu! Loại ong này rất hiền, trừ khi đụng vào tổ nó mới đốt".
Anh Vương đang kiểm tra đàn ong rừng. |
Chia sẻ với chúng tôi, anh Vương cho biết: "Cái nghề này đến với tôi như một sự ngẫu nhiên. Năm 2000, trong một lần vào rừng lấy củi, tôi đã thấy một tổ ong và bắt về nuôi. Sau một năm, từ một tổ ong tôi đã chia ra thành ba tổ. Cuối vụ thu được 20 lít mật. Quay được giọt mật ngọt đầu tiên tôi mừng khôn tả. Từ đó, tôi nhận thấy có thể làm giàu từ nghề này nên đã quyết định cơm nắm trong túi, bình nước đeo bên mình rong ruổi mấy tháng trời khắp các thôn, bản rừng núi Mẫu Sơn để tìm tổ ong về nuôi. Vì khi đó ong giống rất hiếm", anh Vương nói.
Để có được những đàn ong giống đem về, anh Vương không nhớ nổi mình đã phải đi bộ bao nhiêu km, qua bao nhiêu quả đồi, trèo qua bao vách đá đến những nơi có ong rừng làm tổ. Theo anh Vương, việc săn ong cũng không khó nếu hiểu được thuộc tính của nó. Ong rừng có 2 loại, một loại thân nhỏ màu nâu, còn loại màu vàng thân to hơn. Chỉ cần đứng trên đỉnh đồi quan sát, nếu thấy con ong nâu bay về hướng nào thì một lúc sau tìm dưới đất, hay hốc đá gần đó là thấy. Ngược lại với con ong màu vàng phải tìm trên các thân cây to, cao.
Tuy nhiên, anh Vương cho biết không phải lúc nào cũng lấy được những tổ ong mà mình nhìn thấy. Có khi cả ngày lặn lội trong rừng nhìn thấy một tổ ong thì nó lại làm tổ tít tận ngọn cây cổ thụ hoặc nằm sâu trong những hốc đá. Lúc đó đành tay không quay về. Chưa kể trong rừng sâu có nhiều mối nguy hiểm như rắn, vắt, rết..., luôn rình rập. Có những hôm mây mù dày đặc quanh quẩn trong rừng đến tối mịt mới về đến nhà. Nhưng vì quyết tâm làm giàu với nghề này nên anh đã không quản ngại khó khăn.
Trở thành “vua ong rừng”
Sau những tháng ngày lặn lội vất vả trong rừng sâu săn ong giống, hiện nay gia đình anh có gần 100 đàn ong rừng, mỗi đàn ong là 1 thùng. Số đàn ong của anh sẽ tăng lên trong năm tiếp theo bởi một đàn ong sẽ tách ra 2 - 3 đàn/năm. Trung bình mỗi năm, một đàn ong cho từ 15 - 20 lít mật. Với giá trên thị trường hiện nay là 200 - 250.000 đồng/lít, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng từ nuôi ong rừng lấy mật. Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, năm 2004 anh đã cất cho mình một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, hai con đều khỏe mạnh và chăm ngoan học giỏi, “nhờ con ong rừng mà gia đình tôi có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay”. Anh Vương tâm sự.
Theo anh Vương thì nghề nuôi ong rừng rất dễ, vốn đầu tư ít, và không yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao như nuôi những loại ong mật khác. Chỉ cần người nuôi nắm rõ tập tính của ong và giữ cho ong không bay đi nơi khác là được. Việc đầu tư nuôi ong rừng cũng có nhiều thuận lợi, ong không hay mắc các loại bệnh thông thường, không phải chăn và di chuyển ong vào những mùa ít hoa. Ong còn cho thu hoạch mật quanh năm với hương vị của các loại hoa rừng vào những mùa khác nhau, tạo nên một chất lượng mật tuyệt hảo được thị trường rất ưa chuộng. Nhất là mật ong rừng có tính năng tốt, được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền và tiêu dùng. Nên thị trường tiêu thụ mật ong rừng hiện nay là rất lớn.
Để đàn ong cho nhiều mật và có thêm thức ăn, anh Vương còn tận dụng đất quanh nhà để trồng các cây ăn quả như nhãn, mận, đào... để ong lấy hoa và cũng là tạo bóng râm mát cho đàn ong. Theo anh Vương, vì tổ của đàn ong chủ yếu là đặt dưới các gốc cây nên phải chú ý che đậy cẩn thận để tránh mưa, nắng cho ong. Đồng thời, mùa đông không được khai thác mật và đến mùa xuân phải chuẩn bị thùng mới để chúng tách tổ. Việc tìm thùng ong cũng rất khó, vì ong rừng không như những loại ong khác là ở trong thùng đóng bằng ván vuông, mà chúng ở trong những cây cổ thụ rỗng ruột. "Tùy vào số lượng đàn ong nhiều hay ít để chọn thùng to hay nhỏ, nếu đàn ong nhỏ mà chọn thùng to thì ong sẽ không ở và ngược lại", anh Vương nói.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh còn giúp bà con trong vùng về giống, hướng dẫn kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ong rừng cho người dân nơi đây cùng vươn lên làm giàu từ mô hình trên.
Chúng tôi chia tay anh khi trời đã ngả về chiều, phía cánh rừng xa, những chú ong vẫn miệt mài tìm hoa, chắt lọc những giọt mật tinh khiết dâng tặng cho con người.
Bài và ảnh:Hoàng Văn Hương