Vui buồn sản phụ sinh dịp Tết

Mỗi khi Tết đến, ai cũng có tâm lý mong chờ để được nghỉ ngơi và gặp gỡ bạn bè, người thân… Đối với nhiều sản phụ, có người nghĩ rằng sinh vào Tết là sướng nhất, không phải lo mua sắm, làm việc nhà dịp này. Tuy nhiên, với những người trong cuộc thì Tết với họ dường như có đan xen thêm một chút tủi thân bên cạnh niềm vui vô bờ bến là chăm sóc những đứa con.

Bác sĩ chăm sóc sản phụ. Ảnh: Internet



Hàng trăm sản phụ chờ sinh

Bác sỹ Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng khoa Đẻ (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cho biết, mỗi ngày tại bệnh viện có từ 60-80 sản phụ sinh. Trong khi đó, năm rồng vàng 2012, những ngày cao điểm có khoảng 120-130 thai phụ sinh/ngày, song bệnh viện vẫn đáp ứng đủ các điều kiện cho các sản phụ.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cảnh những sản phụ chờ sinh trong dịp Tết cũng tấp nập không kém.

Ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thời gian gần đây mỗi ngày bệnh viện có khoảng 100 sản phụ sinh. Con số này đã ít hơn rất nhiều bởi trong năm 2012, có nhiều tháng cao điểm tại bệnh viện có tới 180 sản phụ chờ sinh mỗi ngày.

Ông Bạo cho hay, thời điểm căng thẳng nhất đã qua, nhất là vào dịp Tết này sẽ không diễn ra tình trạng quá tải. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong dịp Tết, bệnh viện đã bố trí các kíp trực phân công đội ngũ từ bác sỹ, nhân viên hành chính đến bảo vệ để bệnh viện vẫn đảm bảo hoạt động như những ngày thường.

Giám đốc Bệnh viện tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương cũng cho hay, tại bệnh viện mỗi ngày có khoảng hơn chục bệnh nhân sinh nở. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để phục vụ các bệnh nhân nói chung và những sản phụ sinh vào dịp Tết nói riêng.

Những nỗi thấp thỏm…

Những ngày Tết, tại phòng đẻ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn nhộn nhịp các sản phụ nằm chờ sinh. Xen lẫn trong những tiếng chạy máy cứ reo lên ùng ục, nhiều sản phụ bày tỏ sự hồi hộp không biết khi nào "vỡ chum."

Có người thì mong em bé ra sớm để được mẹ tròn con vuông đón Tết, tuy nhiên, cũng không ít sản phụ thì mong em bé từ từ hãy ra, để được ăn Tết xong.

Phương Dương (ở Mỹ Hào, Hưng Yên) kể, năm ngoái nằm chờ sinh tại khoa đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương mấy ngày tết với cô dường như là những ngày dài nhất của cuộc đời. Từ ngày 28 Tết hai vợ chồng cô đã “khăn gói quả mướp” vào viện chờ sinh. Chiều 30 Tết đã cận kề, dù lo, nhưng hai vợ chồng vẫn quyết đi taxi về nhà chiều hôm đó để ăn giao thừa và đón năm mới với gia đình.

Dương cho hay, em bé đến chiều mùng 2 thì có những dấu hiệu sinh và ngay lập tức tới bệnh viện.

Đêm hôm đó chị đã sinh em bé an toàn. Vậy là Dương vừa được hưởng đôi ngày Tết lại vừa có thiên thần nhỏ của mình.

Thùy Trang ở Ba Đình cho hay, chị dự kiến sinh vào mùng 4 hoặc mùng 6 Tết, nhưng cũng lo lắm, vì là con so nên nhiều người nói coi chừng sinh sớm. Càng gần Tết, Trang càng lo lắng không biết là sinh đúng ngày hay là lại đúng đêm 30 Tết hai mẹ con vào viện, rồi lại sinh con trai mùng 1 nữa thì nguy.

Trang kể: “Vào viện mới thấy còn nhiều mẹ giống mình quá, muốn đẻ lắm rồi. Ai cũng đang sốt xình xịch. Chỉ mong bé ra sớm sớm để cả nhà được đón Tết vui vẻ, sinh đúng ngày Tết thì ai cũng hồi hộp, vất vả…”

Bác sỹ Nguyễn Văn Hà cho biết, với những sản phụ sinh vào dịp Tết thì hoàn toàn yên tâm vì bệnh viện có dịch vụ cử nhân viên đến nhà chăm sóc. Lực lượng này vẫn hoạt động tất cả các ngày.


“Với đội ngũ bác sỹ, việc có bệnh nhân ngày nào, giờ nào chúng tôi cũng phải chăm sóc, đỡ đẻ không quan niệm ngày tốt xấu. Cứ giúp sản phụ mẹ tròn con vuông là chúng tôi vui mừng. Trong những ngày đặc biệt đầu năm mới, niềm vui đó càng được nhân lên gấp bội khi chúng tôi đón những em bé mới sinh khỏe mạnh,” bác sỹ Hà nói.

Xen chút nỗi buồn…

Nói về những ấn tượng của việc sinh gần vào dịp Tết, Hà - một công chức nhà nước đang sống tại Hoàn Kiếm, Hà Nội kể, cô sinh trước Tết 10 ngày nên Tết này sẽ không phải lo làm gì bởi đúng vào thời điểm cô nàng “nằm ổ.” Vì vậy, trong Tết, Hà chỉ có việc ngồi 1 chỗ rồi “rung đùi” ôm con và tận hưởng.

Tuy nhiên, đúng là phải nằm trong cảnh ngộ đó mới biết được. Hà kể, do sinh con đầu lòng, nên trong tuần đầu tiên cô bị trầm cảm nặng. Một ngày có 24 tiếng, cô chỉ quanh quẩn với việc cho con ăn, vệ sinh và thay bỉm cho bé trong khi mọi người thì hào hứng đi mua sắm Tết rồi không khí vui rộn rã ngoài đường khiến Hà càng tủi thân.

Thanh Hương, một giáo viên ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: “Mình sinh vào cận Tết, suốt ngày chỉ quanh quẩn với cái phòng nhỏ nhỏ trên tầng 3 với con cảm thẩy tẻ lắm rồi. Chỉ mong tết đến để được giao lưu và gặp gỡ nhiều người.”

Tuy nhiên ý tưởng đó của cô đã bị mẹ chồng cảnh báo: “Do chưa đầy tháng em bé nên Hương chỉ được ở trên tầng 3, Tết không nên xuống. Vì mới đầu năm, mọi người đến chơi mà họ gặp phải bà đẻ là xui.”

Hương tâm sự, ngày thường đã “stress” vì con hay khóc đêm, nay lại thêm “tủi thân,” vì cô tự dưng lại bị miệt thị. Vì vậy, gần chục này Tết, cô chỉ lủi thủi quanh quẩn ở trên cái phòng của mình, nghe thấy tiếng khách đến chơi “lào xào” nói cười mà cảm thấy bị ghẻ lạnh…

Ngày Tết đã cận kề, với những sản phụ chờ sinh em bé thì bao trùm là nỗi thấp thỏm, lo âu, còn với những người đã sinh em bé rồi thì niềm vui nhân lên gấp bội, tuy nhiên đôi lúc họ vẫn phảng phất đôi chút nỗi buồn. Và đó dường như là những kỷ niệm rất riêng của mỗi sản phụ khi sinh vào dịp Tết.



TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN