Bờ Đông sông Trà Lọt nằm trên địa bàn xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè), kênh 28 qua địa bàn xã Đông Hòa Hiệp, sông Rạch Ruộng (xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè), kênh Nguyễn Văn Tiếp,…đang là những điểm nóng về sạt lở tại vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang.
Mới đây, vào đầu tháng 3/2023, một đoạn bờ Đông sông Trà Lọt dài gần 50 m đã bị sạt lở toàn bộ xuống sông. Sạt lở đã cắt đứt tuyến đường dân sinh ấp Hòa Quí, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Bờ sông lở vào sát ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tiến nằm ngay phía trong con đường. Khu vực này đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Người dân địa phương lo lắng cho an toàn tính mạng, tài sản trước thiên tai đang diễn biến khó lường.
Gia đình ông Võ Ngân Giang, cư ngụ ven sông Trà Lọt chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 1.000 m2 đất ở và sản xuất, sau nhiều lần sạt lở đã bị mất gần 400 m2. Hiện, bờ sông bị sạt lở đến tận thềm nhà. Hiện trạng hết sức nguy hiểm, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản gia đình ông nói riêng, người dân sở tại nói chung.
Gia đình bà Trần Thị Vân ở kề bên hộ ông Võ Ngân Giang còn khó khăn hơn. Gia đình bà chỉ có khoảng 300 m2 đất ở, sạt lở mất 100 m2, chỉ còn lại căn nhà, không biết khi nào sẽ bị thiên tai sạt lở nhấn chìm xuống sông.
Cũng như gia đình ông Giang, bà Vân, nhà của ông Nguyễn Văn Tiến đang có nguy cơ bị sạt lở xuống sông nếu không kịp thời xử lý, khắc phục khẩn cấp.
Bà Nguyễn Thị Nhái, ấp Hòa Quí bị sạt lở mất hàng trăm m2 đất; trên đó, có một căn nhà bán tạp hóa cũng bị lở xuống sông. Để đảm bảo an toàn, gia đình bà phải nhiều lần di dời nhà cửa vào sâu bên trong. Tuy nhiên, hiện nay, bờ sông Trà Lọt đã sạt lở đến tận trước cửa nhà. Tường, nền nhà bà Nhái đang có hiện tượng bị nứt, sụt lún, nguy cơ sạt lở trong những ngày tới rất cao.
Theo ông Võ Văn Dân, cán bộ ấp Hòa Quí, qua thống kê, đoạn bờ sông Trà Lọt dài khoảng 3 km đã có 4 điểm sạt lở nặng với tổng chiều dài gần 300 m. Sạt lở đã nhấn chìm xuống dòng nước đất đai, vườn tược, cơ sở hạ tầng giao thông, đường dây điện, làm đảo lộn sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trong vùng.
Hiện nay, do sạt lở, việc đi lại của người dân ấp Hòa Quí rất khó khăn và mất an toàn, nhất là những khi triều cường, nước dâng cao gây ngập những địa bàn trũng thấp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, địa phương ghi nhận 62 điểm sạt lở lớn nhỏ, chiều dài trên 2.100 m. Ước kinh phí đầu tư khắc phục lên đến trên 27,7 tỷ đồng. Sạt lở chưa có dấu hiệu dừng, ngày thêm trầm trọng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè Lê Văn Ý, nhằm bảo vệ sản xuất, tài sản, tính mạng của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan kiểm tra thực tế, hướng dẫn các địa phương gia cố tạm thời đảm bảo an toàn giao thông cũng như kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp nhiều điểm sạt lở lớn, phức tạp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trong hai năm 2022 - 2023, Tiền Giang triển khai đầu tư xử lý 5 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 3.148 m. Kinh phí trên 305 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ trên 265,3 tỷ đồng và vốn đối ứng địa phương gần 40 tỷ đồng.
Để ứng phó sạt lở, Tiền Giang tiếp tục huy động các nguồn lực, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống, an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Thực tế cho thấy, nhiều điểm sạt lở lớn, vượt ra khỏi khả năng của các địa phương và cần có sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương về: kinh phí, giải pháp kỹ thuật đầu tư để xử lý triệt để, đảm bảo người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tiền Giang đề nghị Trung ương hỗ trợ triển khai các Dự án xử lý sạt lở bờ sông rạch ở Cái Bè, cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), cù lao Tân Long (thành phố Mỹ Tho), xã Xuân Đông (Chợ Gạo)…