Video rau xanh tươi mát trên quần đảo Trường Sa:
Ở Trường Sa, rau xanh được ví như thuốc quý trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Việc trồng được rau xanh là cả một kỳ công với bao công sức, mồ hôi bộ đội trên đảo đã đổ xuống để màu xanh ươm mầm. Trên các điểm đảo màu xanh ấy không chỉ gợi lên sức sống mạnh mẽ giữa đại dương sóng gầm, gió giật mà còn là biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm, nỗ lực vượt khó của cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi.
Chúng tôi tới đảo Đá Nam, được tham quan vườn rau rộng chừng 50m2 với đủ loại cây trồng, bảo đảm cung cấp đủ cho bữa ăn bộ đội. Bộ đội trên đảo kỳ công chăm sóc những luống rau, phần nào đã nói lên nỗi vất vả để có được rau xanh phục vụ đời sống hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ.
Để trồng được rau, các bộ, chiến sĩ phải dựng nhà giàn kín chắn gió biển. Thế nhưng khung nhà giàn kín bưng ấy cũng không đủ để hạn chế sự khắc nghiệt từ thiên nhiên nơi đảo xa. Ngoài nhà mái che phía ngoài, bên trong mỗi luống rau còn được lập thêm giàn che nhỏ.
Đại úy Trần Thế Tài, Chính trị viên Đảo Đá Nam, người có nhiều năm công tác trên quần đảo Trường Sa đã thấm đẫm kinh nghiệm và hiểu tường tận những giá trị và công sức bộ đội khi trồng được những luống rau xanh trên đảo.
Đại úy Trần Thế Tài cho biết: “Rau mới trồng, mặc dù phía trên đã che chắn gió nhưng phía dưới chúng tôi vẫn phải làm những cái niếp để che cho những cây rau mới trồng, có như thế mới bảo đảm được cây rau sống sót. Nếu không che thế, rau sẽ bị ánh nắng chiếu rọi, tiếp nữa là gió biển mang theo hơi nước mặn có thể làm rau chết”.
Đã qua rồi cái thời Trường Sa thiếu nước ngọt để tưới cho rau. Ngày trước, nước ngọt được tiết kiệm thu lại từ nước sinh hoạt, vo gạo, vệ sinh cá nhân hàng ngày chắt chiu tưới rau. Nhưng ngày nay, trên các điểm đảo đã có hệ thống máy lọc nước biển thành nước lợ. Vì thế nước tưới rau không còn quá thiếu thốn, nhưng thay vào đó là việc khắc chế gió biển và các loại sâu bệnh nếu muốn có rau xanh để ăn.
Chiến sĩ Lê Tôn Trang, Đảo Thuyền Chài B cho biết: Việc có nước để tưới cho rau hàng ngày, các chiến sĩ đã tiết kiệm nước mưa sau khi đã hứng được. Nếu thiếu nữa sẽ dùng máy lọc nước biển để thành nước lợ tưới cho rau và sử dụng hàng ngày.
Việc che chắn gió biển cũng là cả một nghệ thuật. Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo cho biết, việc chắn gió biển cho rau cũng giống như chăm một em bé, chỉ cần một đêm quên không che gió độc thì hôm sau toàn bộ các luống rau sẽ héo úa và tàn lụi dần. Vì vậy, để trồng được rau xanh, cán bộ, chiến sĩ phải nắm bắt được diễn biến của thời tiết, khí hậu, rồi cắt cử người che chắn vườn rau theo đúng hướng, thậm chí từng ngày theo từng cơn gió để rau xanh luôn được tươi tốt.
Thượng tá Hoàng Thanh Tứ, Đảo trưởng đảo Song Tử Tây cho viết: Mùa cuối năm gió biển rất mạnh, có hôm quên đóng cửa vườn rau thì có thể gió vào làm rau chết.
Ngày nay, trên những đảo chìm, hệ thống vườn tăng gia giờ đã được xây dựng và quy hoạch khoa học. Hệ thống chậu bằng composite và đất được vận chuyển từ đất liền ra làm vườn tăng gia cũng đa dạng về chủng loại. Mà xanh trong vườn có đủ loại từ rau, củ, quả đến các loại rau thơm phục vụ thường xuyên đời sống của cán bộ, chiến sĩ.
Hiện trên các điểm đảo ở Trường Sa đã đảm bảo tự túc được 80% rau xanh cho thấy việc tính toán thâm canh gối vụ cũng được cán bộ, chiến sĩ trên đảo làm rất khoa học, có kinh nghiệm, phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đúng mùa vụ với từng loại rau.
Để tận dụng tối đa diện tích đất, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ trồng thêm các loại rau quả như bầu, bí, mướp. Điều này không chỉ thể hiện sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trên đảo mà còn cải thiện bữa ăn bộ đội. Có thời điểm còn hỗ trợ thêm cho các ngư dân bám biển dài ngày vào đảo xin rau và nước ngọt.
Chiến sĩ Hồ Xuân Ninh, Đảo Đá Nam cho biết: “Lúc ở trong bờ chúng tôi nghĩ ở ngoài đảo không có rau để ăn, nhưng khi ra đến đảo chúng tôi thấy ngạc nhiên vì đảo có nhiều rau xanh. Đó là công sức chung của toàn đơn vị và của các chiến sĩ”.
Theo Đại tá Nguyễn Thiên Quân, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội, trên các điểm đảo đã được đầu tư nhiều cho công tác tăng gia sản xuất, từ nghiên cứu những chậu composite đến phân bón, chế phẩm sinh học và hệ thống tưới tiêu… Cho nên ở các điểm đảo hiện nay cơ bản đã đáp ứng được việc tăng gia của bộ đội.
Ở các đảo chìm đã có hệ thống thu nước mưa để dùng trong sinh hoạt nên cũng cải thiện được việc tưới, tiêu, chăm sóc rau xanh rất tốt.
Màu xanh tươi mát của mồng tơi, rau muống, cải xanh… đã góp phần cải thiện bữa ăn bộ đội, góp phần tăng cường sức khỏe cho chiến sĩ vững chắc tay súng, bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo của quần đảo Trường Sa, chúng tôi trở về đất liền mang theo những niềm vui và sự cảm phục về tinh thần vượt khó của bộ đội Trường Sa.