Tận dụng công nghệ làm công cụ
Thời gian gần đây, ChatGPT đang trở thành công cụ hot khi trí tuệ nhân tạo được đánh giá là đã “vượt xa” con người; điều này khiến nhiều người lo ngại công nghệ sẽ “lấn át” công việc của người làm báo.
Chia sẻ về làm báo trong bối cảnh công nghệ, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế đô thị, cho rằng: Phóng viên ở kỷ nguyên số hiện nay rất áp lực, ngoài trách nhiệm phải làm nhanh, chính xác, còn phải duy trì kiểm tra lượng view hàng ngày, hàng tuần. Một sản phẩm báo chí được là ra rất kỳ công mà không có người đọc thì sản phẩm đó sẽ không có giá trị. "Chúng tôi sử dụng công nghệ để đánh giá xem các bài viết đang ở vị trí nào, bao nhiêu người đang đọc, bài viết đã đọc trên nền tảng công nghệ nào…", nhà báo Nguyễn Minh Đức cho biết.
Để đạt hiệu quả, mỗi phóng viên, ngoài việc tác nghiệp thật nhanh, có cách tiếp cận độc đáo thì ngay cả cách đặt tít cũng cần phải nhạy bén để thu hút người đọc, người xem, liên tục chia sẻ tác phẩm báo chí của mình trên các nền tảng khác nhau. Những nhà báo giỏi cũng là những người giỏi về công nghệ, làm được SEO, ứng dụng các công nghệ vào báo chí, đa năng. Người làm báo luôn phải học công nghệ, đổi mới liên tục.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, nhà báo chỉ dùng công nghệ ở chỗ có lợi, không vào hùa những thứ được cho là công nghệ nhưng làm mất đi bản thể của nhà báo. "Báo chí hãy coi công nghệ là công cụ", ông Lâm khuyến cáo.
“Con người có những đặc điểm mà máy móc không thể so sánh. Đó là trải nghiệm của chính các nhà báo và chúng ta có thể biến trải nghiệm của mình thành câu chuyện trong quá trình đi tác nghiệp, điều đó luôn có giá trị. Sự trải nghiệm đó là đơn nhất, không sao chép, không có AI để ngụy tạo. Đó có thể là hướng mới trong tác nghiệp báo chí", ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
“Quan hệ giữa nội dung và công nghệ luôn quan trọng với báo chí hiện nay, nhưng điều quan trọng hơn cả là tinh thần dấn thân của người làm báo. Bởi nghề báo là nghề đặc biệt, chúng ta luôn đối mặt với thách thức hiểm nguy; là nghề cao quý nhưng cũng rất gian khổ”, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, báo chí cũng phải đối mặt với những mặt trái của công nghệ. Đơn cử như việc, nhiều người thường tận dụng công nghệ tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội sau đó lại đăng tải lại trên mạng xã hội, tuy nhiên có những thông tin không được kiểm chứng, không qua chọn lọc, điều này rất nguy hiểm với người làm báo. Bên cạnh đó, nhà báo, phóng viên cũng phải đối mặt với việc chạy theo lợi ích kinh tế, vụ lợi, đánh mất mình trong thời đại số, công nghệ.
"Chuyển đổi số là con đường mà báo chí bắt buộc phải đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, khán thính giả, và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Chuyển đổi số là một quá trình liên tục tiếp diễn", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Nâng cao nghiệp vụ trong kỷ nguyên số
Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, để ứng dụng công nghệ trong làm báo, đơn vị phải liên tục bồi dưỡng để nhà báo sử dụng công nghệ thành thạo, biết được cách làm báo đa phương tiện, biết làm các thể loại như: Video, postcard, thậm chí nhà báo dẫn chương trình truyền hình, dẫn hiện trường… Điều này cũng đặt ra yêu cầu, các sinh viên ngành báo sắp ra trường cũng cần làm chủ được báo chí đa phương tiện, làm chủ công nghệ.
Tuy nhiên, chia sẻ về công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thừa nhận: “Chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn...”
Theo đó, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng cần phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Những khóa học cũng cần phải đa dạng hơn với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Không chỉ phóng viên trẻ mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí; thậm chí, cần phải đào tạo nhiều lần, chứ không chỉ một và lần...
Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh nền tảng đào tạo chung của báo chí, sẽ có những kỹ năng sâu hơn của báo chí sáng tạo, về ứng dụng cách làm báo hiện đại. Cần tăng cường đào tạo hơn nữa với các đối tượng và không gian phục vụ, có sự khảo sát từ cơ sở để các khoá học thật sự đáp ứng hiệu quả. Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo báo chí để có những cập nhật, đáp ứng thời kỳ kỷ nguyên số.