Theo Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng hệ thống mốc biên giới phụ được chia làm 2 đợt với tổng số 87 vị trí, 1 cột mốc phụ. Đợt 1 sẽ tiến hành cắm 45 vị trí với 86 cột mốc phụ từ tiếp giáp tỉnh Đắk Lắk (vị trí mốc biên giới số 47/6) đến vị trí mốc biên giới 48/27; trong đó phía Việt Nam sẽ cắm mốc có số hiệu chẵn; phía Campuchia sẽ cắm các cộc mốc phụ có số hiệu lẻ.
Lễ ký kết chương trình hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri ( Campuchia) giai đoạn 2016 – 2020.Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN |
Đợt 2 sẽ tiến hành các mốc phụ còn lại sau khi có sự thống nhất giữa Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia. Các mốc phụ, cọc dấu tại các đoạn biên giới được xây dựng theo quy trình hướng dẫn xây dựng mốc phụ, cọc dấu của Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc Bộ Xây dựng đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất. Các mốc phụ có chiều cao 1,3 mét, đế rộng 1m2, bằng chất liệu bê tông cốt thép, trên thân mốc ghi số hiệu và quốc hiệu Việt Nam. Dự kiến đến 30/4 sẽ hoàn thành việc cắm mốc phụ đợt 1, đợt 2 sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Đắk Nông có hơn 130 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia trên tuyến biên giới Đắk Nông và Mondulkiri, hiện đã xây dựng được 8 vị trí với 16 cột mốc chính, trong tổng số 13 vị trí, 24 cột mốc chính. Việc tiếp tục xây dựng mốc phụ là để tăng dày, làm rõ đường biên giới và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Campuchia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.