Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển công nghiệp, đô thị hóa. Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), có nơi đã đến mức báo động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân.
Giải quyết tình trạng này, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cần phải tăng cường hơn nữa các công cụ, thiết bị quan trắc tiên tiến, hiện đại và tập trung nguồn lực cho hoạt động xử lý, đánh giá dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường, đáp ứng yêu cầu về cung cấp, công bố thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và nâng cao năng lực cho công tác cảnh báo dự, báo môi trường. “Quan trắc môi trường không chỉ để biết hiện trạng mà còn xây dựng cơ sở dữ liệu cho dự báo, cảnh báo môi trường, phục vụ công tác quản lý nhà nước và người dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Điều 113 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý số liệu quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; tích hợp các dữ liệu quan trắc môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, công bố thông tin về chất lượng môi trường quốc gia.
Làm cơ sở cho việc đầu tư quan trắc môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể Mạng lưới Quan trắc môi trường quốc gia. Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, tiếp nối các quy định trước đây tại Quyết định 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg để tiếp tục hoàn thiện, là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường đầu tư cho công tác quan trắc môi trường một cách đồng bộ và hiện đại trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Dựa trên quy định của Luật và Quy hoạch của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang hoàn thiện các hướng dẫn, quy định về hoạt động công bố thông tin chất lượng môi trường; nâng cấp nền tảng hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ mới phục vụ hệ thống truyền dẫn và tiếp nhận, xử lý dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu và các phần mềm, ứng dụng để công bố, công khai thông tin môi trường một cách thống nhất, hiệu quả.
Hiện nay, cả nước đã đã lắp đặt gần 2.000 trạm quan trắc tự động, trong đó, có hơn 1.600 trạm đang truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn lại khoảng 300 trạm đang trong giai đoạn lắp đặt, vận hành thử nghiệm, tăng gấp gần 2 lần so với cùng thời điểm năm 2020. Đây là hệ thống cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho công tác quản lý môi trường.
Với nỗ lực hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý thông tin dữ liệu quan trắc, đến nay, toàn ngành đã kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường; đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương nhận được hàng năm. Đặc biệt, tập trung quản lý tốt các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (chiếm 20 - 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng gây ra 70 - 80% các vấn đề môi trường).
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng “Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia”. Hệ thống này được triển khai dựa trên nền tảng cốt lõi là nâng cấp phần mềm Envisoft, việc vận hành Hệ thống sẽ khắc phục tình trạng dữ liệu quan trắc môi trường đang “phân mảnh”, riêng rẽ hiện nay và tối ưu được nhiều hoạt động.
Theo đó, hệ thống sẽ tiếp tục tích hợp dữ liệu mạng lưới quan trắc định kỳ của Trung ương và địa phương; tích hợp với dữ liệu chuyên ngành như viễn thám, khí tượng thủy văn; tích hợp các dữ liệu bộ ngành khác. Toàn bộ dữ liệu quan trắc môi trường sau khi được tiếp nhận từ các Bộ, ngành và địa phương cùng với dữ liệu từ chương trình quan trắc môi trường quốc gia được xử lý, kiểm duyệt và phân tích, tổng hợp trên các nền tảng công nghệ các siêu máy tính, xử lý dữ liệu lớn với tốc độ cao, máy học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tích hợp. Từ đó, công bố thông tin môi trường và dự báo, cảnh báo môi trường.
Với Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia, cơ quan quản lý sẽ được cung cấp các thông tin kịp thời, nhận diện các “vùng ô nhiễm” để điều chỉnh chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý thiết thực. Đối với doanh nghiệp, sẽ có một “không gian” để kết nối, chia sẻ dữ liệu và công khai thông tin một cách minh bạch, một bức tranh về hiện trạng môi trường được khắc họa toàn diện và đầy đủ. Những thông tin cảnh báo, dự báo ô nhiễm môi trường được phát đi thông qua các bản tin trên truyền hình, ứng dụng di động, thiết bị online. Người dân dễ dàng tiếp cận thông tin ở bất kỳ đâu, nguy cơ ô nhiễm môi trường được cảnh báo, và nhiệm vụ bảo vệ môi trường được lan tỏa trong nhận thức, hành vi của mỗi người dân.