Vì thế, mỗi cấp Công đoàn đã và đang đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thành phố vững mạnh.
Nhanh chóng vào cuộc
Năm 2020, dịch COVID-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều người lao động tạm ngừng hoặc nghỉ việc. Đỉnh điểm của dịch COVID-19 là giãn cách xã hội, người dân được khuyến khích hạn chế ra đường, tụ tập, tiếp xúc xã hội, khiến đời sống người lao động càng thêm khó khăn. Trước tình hình đó, các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến cơ sở sản xuất kinh doanh, tìm nhiều giải pháp thiết thực chăm lo đúng đối tượng, đúng người lao động có nhu cầu.
Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng, giãn hoặc cắt giảm lao động để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất chờ cho dịch bệnh nhanh qua. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài, nhất trên thế giới dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn.
Theo sát tình hình tại các đơn vị doanh nghiệp, Công đoàn các quận, huyện cho biết, nhiều doanh nghiệp đã chi trả khoảng trợ cấp nghỉ việc hàng trăm triệu đồng để cắt giảm lao động, cố gắng duy trì hoạt động doanh nghiệp. Đặc biệt, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam, Công ty cổ phần Giày da Huê Phong đã chi cho khoản này lên đến hàng trăm tỷ đồng, cắt giảm hàng ngàn lao động do cung - cầu giảm mạnh, thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất...
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, trong thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc các cấp Công đoàn thành phố chung sức, đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn như: ngừng việc, nghỉ việc, lương, thưởng, các chế độ, chính sách cho hàng trăm ngàn người lao động ở cả doanh nghiệp trong nước, liên doanh và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Liên đoàn Lao động thành phố một mặt chỉ đạo, phân công cán bộ công đoàn tăng cường phòng, chống dịch bệnh; mặt khác theo sát diễn biến tình hình lao động sản xuất tại doanh nghiệp để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời các tình huống, hạn chế thấp nhất những tác động từ dịch bệnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn cùng với các đơn vị chức năng cũng khoanh vùng, vận động tuyên truyên người lao động để không xảy ra tranh chấp, đình công; đồng thời chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở sẵn sàng hỗ trợ người lao động trong những trường hợp đặc biệt.
Cùng thời điểm, Liên đoàn Lao động thành phố nhanh chóng trích nguồn kinh phí công đoàn để chăm lo gần 800 người động ở các khu vực phi chính thức như: giáo viên các trường mầm non tư thục, đoàn viên công đoàn tại các nghiệp đoàn vừa được thành lập. Chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở và các quận huyện tự cân đối từ nguồn tài chính công đoàn tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, chăm lo các trường hợp người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ; đoàn viên bị mất việc làm, giảm thu nhập, bị bệnh nan y, hiểm nghèo….
Thống kê từ các cấp Công đoàn thành phố, năm 2020, gần 21.000 đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tại các đơn vị, doanh nghiệp, nghiệp đoàn đã được chăm lo với tổng số tiền trên 27,6 tỷ đồng. Nổi bật, trong đợt hoạt động này là Liên đoàn Lao động Quận 1, 5, 6, 7, 8, 10, huyện Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, thành phố Thủ Đức, Công đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã trích hàng tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bằng tiền mặt, quà, bảo hiểm y tế…
Có lẽ vì thế trên địa bàn thành phố dù có hơn 15.200 doanh nghiệp giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất và gần 150.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chỉ có 11 vụ lao động ngừng việc tập thể với khoảng 4.800 người, giảm 4 vụ và hơn 1.700 người so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều doanh nhiệp cũng nhìn nhận việc đa dạng các hoạt động của tổ chức Công đoàn đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tham gia giải quyết cơ bản những khó khăn của người lao động do ảnh hưởng dịch bệnh, bão, lũ.
Phát huy vai trò công đoàn cơ sở
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Liên đoàn Lao động tại các quận, huyện và thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến sơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh; tìm nhiều giải pháp thiết thực chăm lo đúng đối tượng, đúng người lao động có nhu cầu. Trong đó, các cấp công đoàn ở Quận 5, 8, 10, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh đã tổ chức nhiều đoàn đến tận nơi ở, nhà trọ, khu lưu trú của công nhân để trao tặng quà, hỗ trợ tiền người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội.
Riêng tại Quận 5, 8 ngoài việc trao quà, tiền hỗ trợ, tạo thêm cơ hội cho đoàn viên công đoàn, người lao động chủ động chọn lựa hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống, Liên đoàn Lao động còn trao tặng hàng trăm phần quà và tiền mặt cho người lao động ở các khu vực phi chính thức, vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường chăm lo hộ nghèo, người già neo đơn.
Chia sẻ cùng người lao động, bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú cũng đã vận động doanh nghiệp thực hiện giãn cách thời gian làm việc (thay vì cắt giảm người lao động) để mọi người đều có việc, có lương tối thiểu chăm lo cho cuộc sống. Mặt khác, đơn vị vận động các doanh nghiệp kết hợp cùng đơn vị ngành hàng bán lẻ thực hiện chương trình phúc lợi đoàn viên, tổ chức phiên chợ 0 đồng và nhiều gian hàng giảm giá phục vụ công nhân lao động trong thời điểm dịch bệnh nhiều khó khăn.
Ngoài các giải pháp trên, Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, thành phố Thủ Đức còn vận động chủ nhà trọ giảm giá cho thuê, hỗ trợ điện, nước; tặng các loại nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thiết cho người lao động ở trọ bị ngưng hoặc nghỉ việc. Tổ chức Công đoàn cùng chính quyền địa phương cũng đã giới thiệu nhiều việc làm mới tương tự cho người lao động bị mất việc; đồng thời dành nhiều phần quà đặc biệt cho phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Đặc biệt, Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp đã tổ chức thành công đám cưới tập thể trong năm đầy khó khăn, giúp cho nhiều cặp đôi công nhân lao động nghèo giải tỏa được nổi niềm để chạm đến ước mơ hạnh phúc. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp Phạm Văn Tài, do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều cặp đôi trong số đó đã sinh sống với nhau có con hay nhiều cặp đôi do phải mưu sinh cuộc sống nên đã đi đến hôn nhân nhưng vẫn chưa có điều kiện tổ chức tiệc cưới.
“Có những cặp đôi dành dụm được chút tiền nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát đành phải chi tiêu, lo cho cuộc sống hàng ngày, nên có được lễ cưới không chỉ bản thân hai họ mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp và cả tổ chức Công đoàn cũng vui mừng, hạnh phúc theo…”, ông Phạm Văn Tài chia sẻ.
Năng động, ứng biến phù hợp trong thời điểm dịch bệnh để chăm lo người lao động, Liên đoàn Lao động Quận 8, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Thành phố Thủ Đức cùng các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp đã tự tổ chức nấu nướng và đến tận các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân trao tặng hàng ngàn suất cơm nghĩa tình và quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tạm ngưng việc, người lao động nghèo khu vực phi chính thức bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng năm 2020, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế, xã hội chung của cả nước; trong đó phong trào công đoàn cấp thành phố cũng gặp không ít khó khăn do phải hoãn vì thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái hay”, tại các cấp Công đoàn cơ sở trực thuộc thành phố đã chủ động, phối hợp nhịp nhàng cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả, thành công các chương trình chăm lo công nhân lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh, người lao động ở các tỉnh ngoài thành phố và cả người lao động ở khu vực phi chính thức.
Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, cũng là lúc các cấp công đoàn cơ sở thể hiện sự năng động, sáng tạo, vượt khó, đa dạng hóa nhiều hoạt động vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, vừa tổ chức chăm lo đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần không bỏ lại ai ở phía sau. “Điều này cho thấy, thành công nhất trong nửa đầu nhiệm kỳ (2018 – 2023) của Liên đoàn Lao động thành phố không chỉ thực hiện tốt công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động mà còn đẩy mạnh, chuyển tải nhiều nội dung, hoạt động công đoàn xuống cơ sở, tạo điều kiện cho cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo; thực hiện có hiệu quả trọng tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn tại cơ sở”, ông Phan Văn Anh nhấn mạnh.
Bài cuối: Tạo đòn bẩy cho phong trào công nhân lao động