Những ngày giáp Tết, nhu cầu về quê của người dân tăng mạnh, nạn “xe dù”, “bến cóc” tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vì thế lại được dịp bùng phát. Mặc các cơ quan chức năng ra sức trấn áp, “xe dù” vẫn hoạt động một cách công khai và trở thành nỗi ám ảnh của những hành khách không may bước lên những chuyến xe này.
Như nấm sau mưa
Dọc theo con hẻm nhỏ dài chưa đầy 300 m nối từ đường Phạm Văn Bạch đến đường Tân Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM), có ít nhất 3-4 “xe dù” mang biển số các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định… túc trực ngày đêm để đón khách. Theo người dân khu vực này, “bến cóc” này xuất hiện đã khá lâu nhưng vẫn chưa bị dẹp bỏ. Dịp Tết năm nay, số lượng xe ra vào “bến” trở nên nhộn nhịp hơn rất nhiều vì nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Trong khi đó, khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình) lại nhộn nhịp với những chuyến xe “hợp đồng” từ “cò xe” gom khách (chủ yếu là công nhân) đưa về quê. Có mặt tại đường Lê Công Định, phóng viên Tin Tức chứng kiến gần chục “xe dù” đang “ung dung” nhận khách hoặc nằm chờ ngay cuối đường, thậm chí ngay tại các cây xăng.
Xe dù lộng hành trong dịp Tết. Ảnh: Hào Vũ |
Một số xe khác còn chạy nhiều vòng quanh các khu dân cư để bắt khách ngay giữa ban ngày. Đáng nói hơn, nhiều “cò xe” còn đặt bàn, ghế và trưng biển bán vé công khai ngay các ngã ba, ngã tư đường.
Khi chúng tôi hỏi mua vé về Vinh (Nghệ An), một phụ nữ trung niên hồ hởi: “Vé giường nằm chị bán hết lâu rồi. Vé ngồi xe máy lạnh giá 800.000 đồng/người, nếu đi 4 người chị giảm 200.000 đồng”.
Khi chúng tôi lấy lý do muốn mua vé giường nằm để từ chối lời mời chào, “cò xe” này lập tức đổi thái độ: “Chê vé ngồi thì đến giao thừa cũng chưa về quê được đâu”. Cách đó chừng 100 m, một điểm bán vé của “cò” khác cũng đang hoạt động rất nhộn nhịp, tấp nập người mua.
Khu vực ngoại thành như khu vực Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), dọc theo đường Nguyễn Trãi (quận 1), Cao Thắng nối dài (quận 10), dọc theo quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu ra cầu vượt Bình Phước)... cũng nóng bỏng về nạn “xe dù”, nhất là khu vực cổng khu du lịch Suối Tiên (quận Thủ Đức). Sáng 18/1, chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, có gần chục “xe dù” tấp vào cổng khu du lịch này lấy khách khi vắng mặt lực lượng thanh tra giao thông. Anh Long, một người chạy xe ôm ở đây cho biết: “Cứ vắng bóng công an là họ lại tranh nhau chèo kéo khách, có xe còn chạy vòng nhiều lượt để gom thêm khách”.
Dẹp không xuể
Bắt đầu từ sáng 20/1, lực lượng thanh tra giao thông TP.HCM đã liên tục tuần tra ngày đêm để xử lý “xe dù”, tuy nhiên, số lượng xe vi phạm vẫn không hề sụt giảm. Sáng 24/1, khi phát hiện thấy xe của Đội thanh tra giao thông số 5, hai xe khách mang biển số Đà Nẵng đang đón khách dọc quốc lộ 13 lập tức tăng tốc để thoát thân.
Anh Lê Hoàng Dũng, một thanh tra viên cho biết: “Các lái xe thường rất liều lĩnh, khi phát hiện thấy lực lượng thanh tra là lập tức bỏ chạy, nhiều lúc đâm cả vào người đi đường”.
Khi đến khu vực cầu vượt Sóng Thần, đoàn thanh tra phát hiện xe khách mang biển số 53N-5955 đang dừng bắt khách ngay dưới chân cầu nên đã lập biên bản xử lý vi phạm.
Trong quá trình các thanh tra viên lập biên bản, lái xe Hoàng Mạnh Cường liên tục nài nỉ, van xin, không được thì văng tục với cả lực lượng thanh tra. Theo chân lực lượng thanh tra, chúng tôi chứng kiến có rất nhiều “xe dù” đang nằm chờ khách tại các cây xăng, quán ăn. Anh Dũng cho biết: “Biết rõ là “xe dù” nhưng không thể xử lý vì không bắt được quả tang xe đang đón khách.
Tại cổng khu du lịch Suối Tiên, chỉ trong gần 2 giờ đồng hồ, tổ 2 thuộc Đội thanh tra số 5 đã xử lý 9 “xe dù” dừng đón khách không đúng nơi quy định. Anh Nguyễn Văn Sơn, một thanh tra viên của tổ cho biết: “Con số này chưa đáng là bao vì nhiều “xe dù” được “cò xe” chỉ điểm cảnh báo khi lực lượng thanh tra có mặt nên không tấp vào bắt khách”. Đa phần lái xe khi bị bắt quả tang đều có chung lý do: “Xe ít khách quá, bắt thêm khách để bù tiền xăng, tăng thu nhập ngày Tết”.
Anh Sơn cho rằng: “Do lái xe chỉ bị “giam” bằng lái khi vi phạm trong khu vực nội thành và mức phạt đối với các xe dừng đón khách sai quy định cũng chỉ 400.000 đồng/lần nên các chủ xe chấp nhận nộp phạt và rồi lại tiếp tục vi phạm.
Đó là một trong những lý do khiến tình trạng “xe dù” vẫn tiếp diễn trong nhiều năm trời”. Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng cho biết: “Từ nay đến sau Tết Nguyên đán, lực lượng thanh tra giao thông thành phố sẽ liên tiếp tổ chức các đợt tuần tra để xử lý các xe vi phạm, đảm bảo trật tự giao thông thành phố”.
Hào Vũ