Khó khả thi
Mới đây, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang lấy ý kiến các bộ, ngành, người dân, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên (HSSV). Theo đó, HSSV từ 15 tuổi trở lên được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm quyền làm việc, đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ HSSV, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
Đối với nhiều sinh viên, đi làm thêm giúp các em có thu nhập để trang trải cuộc sống và trải nghiệm các kỹ năng. Sinh viên Nguyễn Thị Thảo (năm thứ hai, Học viện Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ: “Ngoài thời gian học, em đi làm tại một nhà hàng, mỗi ngày 4 - 5 giờ, tiền lương 20.000 đồng/giờ. Tiền lương mỗi tháng được khoảng trên 2 triệu đồng. Số tiền này tính ra bằng 50% chi tiêu cho việc học, sinh hoạt tại Hà Nội. Bộ LĐTBXH đề xuất sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần thì hơi ít, thu nhập sẽ bị giảm đi, không đủ trang trải cuộc sống...”.
Còn em Bùi Hoàng Châu, sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Đại Nam cho rằng: “Em thường làm thêm bán thời gian, các ca thường là 4 tiếng. Do đó, nếu quy định không quá 20 tiếng/tuần là quá ít bởi chia trung bình mỗi ngày 3 tiếng. Đi làm thêm cũng là cách học và trao dồi kỹ năng”.
Trong khi đó, theo cô Phạm Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Việc làm và khởi nghiệp sinh viên, Trường Đại học Đại Nam: “Với quy định HSSV làm thêm không quá 20 giờ/tuần là ít bởi với các em đi làm thêm học kỹ năng thường mất 1 giờ khởi động, chuẩn bị cho công việc. Hiệu quả năng suất thường tầm từ giờ thứ 3, thứ 4. Bên cạnh đó, quy định một ca làm việc 8 giờ/ngày, bố trí sinh viên làm việc 4 giờ/nửa ca sẽ hợp lý hơn. Điều này đồng nghĩa với việc 1 ca làm việc theo quy chuẩn cần 2 sinh viên, điều đó liên quan đến việc bố trí, sắp xếp nhân sự. Việc làm thêm với HSSV nên để hai bên tự thoả thuận”.
PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Một số em có việc làm thêm, thu nhập hỗ trợ cuộc sống, áp dụng kiến thức, kỹ năng học tập ở trường để làm quen với công việc chính thức sau này. Chúng tôi luôn xác định việc học phải là chính. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các em đi làm thêm để có cơ hội trải nghiệm”.
Việc quy định thời gian làm thêm với HSSV liên quan đến thu nhập, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn phải tự lo học phí và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, thực tế, đã có những trường hợp sinh viên do điều kiện gia đình hoặc mải đi làm thêm, khi lên lớp ngủ gật, ảnh hưởng đến việc học.
“Các trường đại học ở nước ngoài cũng quy định sinh viên đến du học được phép làm việc một tuần không quá 20 giờ. Bên cạnh quy định sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần, chúng ta nên có chính sách, biện pháp hỗ trợ tăng thu nhập hoặc cơ hội khác cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Vì một chính sách không thể giải quyết được mọi vấn đề”, PGS.TS Dương Kim Anh đề xuất.
Phải phù hợp với thực tế Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty CP Dịch vụ giải trí Hà Nội cho rằng: “Nếu quy định dưới 20 giờ/ngày, doanh nghiệp rất khó tuyển người, bởi giờ làm thêm ít khiến thu nhập không đủ để HSSV trang trải chi phí đi lại. Doanh nghiệp cũng không thể tuyển nhiều người cho một vị trí. Quy định này bất lợi cho cả 2 phía. Khi một chính sách mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều có ý kiến chưa đồng thuận, thì cơ quan soạn thảo cũng nên xem xét lại”.
Ông Đỗ Đức Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt cho rằng, đối với HSSV, việc quan trọng nhất là học. Tuy vậy, việc đi làm thêm vừa có thu nhập, vừa có thể học thêm kỹ năng mềm. Với những doanh nghiệp quản trị tốt, theo quy trình thì sẽ đo đếm được thời gian làm thêm. Tuy nhiên, với nhiều loại hình công việc, rất khó quản lý thời gian làm thêm.
Dưới góc độ chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) đánh giá, đây là đề xuất đáng được quan tâm. Mục tiêu của chính sách này là làm sao đảm bảo cho HSSV có thời gian học tập, phát triển thể chất, tinh thần; đồng thời có việc làm, có thu nhập và kỹ năng mềm.
Ông Trung nhìn nhận: “Ở nhiều nước, họ đưa ra quy định giới hạn giờ làm thêm đối với SV nước ngoài học tập tại nước bản địa. Mục đích của họ khống chế giờ làm thêm là để giữ việc làm cho lao động người bản địa. Việc quản lý giờ làm thêm ở nước ngoài dựa trên mã số công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”, ông Trung chia sẻ.
“Còn tại Việt Nam, với ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, nếu chúng ta quy định không chặt chẽ, không cẩn thận, khi đưa ra lại vô hình trung dẫn đến những hệ lụy như làm thêm giờ “chui”, chủ sử dụng né tránh trả lương làm thêm giờ hoặc SV bị “ép” trả lương thấp hơn khi làm quá thời gian. Như vậy, phần thiệt thòi lại chính là SV - đối tượng đang cần được bảo vệ”, ông Trung bày tỏ.