Theo đó, tỉnh sẽ xóa bỏ toàn bộ 64 lò sản xuất vôi để đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân; đảm bảo hành lang thoát lũ trên sông Hóa và hành lang an toàn giao thông cầu, Quốc lộ 10 khu vực Cầu Nghìn.
Tháo dỡ lò vôi tại khu vực cầu Nghìn. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN |
Thực hiện đề án, trong ngày 6/1, công việc tháo dỡ đã được cơ quan chức năng, lực lượng chuyên môn phối hợp triển khai bằng các trang thiết bị hỗ trợ, máy móc chuyên dụng. Theo UBND huyện Quỳnh Phụ, trong tháng 1/2017 sẽ tháo dỡ khoảng từ 10 đến 15 lò vôi.
Lộ trình của đề án đến hết tháng 8/2017 toàn bộ 64 lò vôi của 30 hộ dân với 115 ống lò sẽ phải xóa bỏ. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng gần 60 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là chủ các cơ sở, doanh nghiệp có lò sản xuất vôi; người lao động tham gia trực tiếp sản xuất tại các lò vôi sản xuất vôi phải tháo dỡ tại khu vực Cầu Nghìn. Phương thức hỗ trợ trực tiếp sau khi chủ lò vôi hoàn thành việc tháo dỡ lò vôi, vận chuyển phế thải đến nơi quy định. Thời gian hỗ trợ từ tháng 1 đến tháng 8/2017 (các chủ lò vôi thực hiện tháo dỡ sau thời gian này sẽ không được hỗ trợ).
Mức hỗ trợ tối đa cho chủ lò là 440 triệu đồng/ống lò, thấp nhất là 264 triệu đồng (tùy theo việc chủ lò thực hiện sớm hay muộn trong thời gian quy định). Đối với người lao động, kinh phí hỗ trợ được tính theo mức lương thực và quy đổi thành tiền, cụ thể: lao động thường xuyên được hỗ trợ 6 tháng lương thực, mức hỗ trợ 20kg gạo/lao động/tháng (gần 1,6 triệu/người); lao động không thường xuyên được hỗ trợ 4 tháng lương thực, mức hỗ trợ 20kg gạo/lao động/tháng (gần 1,1 triệu đồng/người). Tổng kinh phí hỗ trợ người lao động (hơn 1.550 người) trên 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tư vấn giới thiệu việc làm.
Những năm 1989-1990, Xí nghiệp Vôi Cầu Nghìn giải thể đã chuyển đổi cho hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh vôi. Từ đó, một số hộ có điều kiện đã xây dựng và phát triển mạnh số lượng lò vôi và kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng tại khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài. Xuất phát từ hiệu quả mô hình sản xuất vôi truyền thống này, năm 2004, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 31 cấp bằng công nhận khu Cầu Nghìn là “Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng”. Năm 2012, UBND thị trấn An Bài đã lập quy hoạch 19ha diện tích khu kinh doanh vật liệu xây dựng, bến bãi và đã được Sở Xây dựng nhất trí chấp thuận tại Công văn số 434/SXD-QH ngày 27/6/2012 và UBND huyện Quỳnh Phụ quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1459/QĐ-UBND ngày 13/7/2012.
Theo UBND huyện Quỳnh Phụ chủ trương tháo dỡ lò vôi được căn cứ vào Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể Vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 507/QĐ-BXD, ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng về việc Quy hoạch công nghiệp phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; căn cứ công văn số 2135/BXD-VLXD ngày 25/11/2013 của Bộ Xây dựng về dừng cấp phép đầu tư các cơ sở sản xuất vôi.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các dự án đầu tư của cơ sở sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người lao động và người dân trong khu vực. Gần đây nhất, ngày 6/8/2015, theo mẫu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình lấy tại 2 cơ sở sản xuất vôi tại đây, kết quả chỉ số bụi đã tổng vượt 1,6 đến 1,8 lần, chỉ số CO vượt 4,0 đến 4,2 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT. Mẫu không khí xung quanh khu vực ở cả vị trí đầu và cuối hướng gió chỉ số bụi vượt 1,97 đến 3,17 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT. Khu vực lò vôi này luôn tiềm ẩn những rủi ro tai nạn lao động khi công tác bảo hộ lao động không đảm bảo, thiếu an toàn; trình độ lao động của người lao động tại các lò vôi thấp, việc theo dõi, giám sát, quản lý lao động gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, sử dụng đất đai nảy sinh những bất cập mới khi thực tế việc xây dựng lò vôi của các cơ sở trên đất thổ cư, đất chuyển đổi, đất sản xuất kinh doanh khi chưa có thủ tục đất đai của cấp có thẩm quyền nên dẫn đến thực trạng các lò vôi vi phạm Luật Đất đai, vi phạm hành lang đường Quốc lộ, vi phạm Luật đê điều, thủy lợi…
Việc xóa bỏ các lò vôi khu vực Cầu Nghìn là chủ trương đúng, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, do đó cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và đã có lộ trình cụ thể, với cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân chấp hành nghiêm chủ trương này, góp phần đảm bảo ổn định cuộc sống và chính trị tại địa phương.